Tuy nhiên, hiện nay, khó nhất đối với 8 dự án này đó là làm sao huy động được nguồn vốn từ các ngân hàng bởi các ngân hàng sẽ phải huy động ngắn hạn nhưng lại phải cho vay dài hạn. Trong khi đó, những dự án giao thông như thế này thường có quy mô vốn vay lớn, có thể lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Đã vậy, các ngân hàng lại đang chịu những quy định khắt khe trong việc cho vay.
Hiện, các quốc gia trên thế giời đều đang sử dụng ít nhất 4 nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư, gồm:
- Vốn tự có của doanh nghiệp. Vốn này thường chiếm khoàng 15 - 20% tổng mức đầu tư dự án.
- Vốn huy động từ các ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển chiếm tỷ lệ cao nhất, từ 40 - 45% tổng mức đầu tư.
Khoảng 20 - 25% được huy động từ nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu công trình. Phần còn lại sẽ được huy động từ các quỹ đầu tư hoặc các tổ chức tài chính quốc tế.
Việc huy động đa dạng các nguồn vốn sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các thành phần tham gia dự án. Mặt khác, sự tham gia của nhiều chủ thể sẽ giúp việc triển khai, khai thác dự án minh bạch hơn.
Trong khi đó, lâu nay, ở Việt Nam, những dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đều chỉ có hai nguồn vốn chính. Một là vốn tự có của doanh nghiệp và hai là từ các ngân hàng. Trong đó, phần vốn từ ngân hàng thường chiếm tới 80%. Phụ thuộc quá lớn vào vốn ngân hàng cũng đã tác động không tốt tới hệ thống tài chính, vì thế, đa dạng hóa nguồn vốn đang là bài toán đã được Chính phủ, các bộ và địa phương tính tới. Ví dụ như với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng mức đầu tư có thể lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nên tính đến việc phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu công trình. Tuy nhiên, làm thế nào để phát hành thành công cũng không hề đơn giản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!