Phóng viên Tuấn Trung thường trú Đài THVN tại thủ đô Washington DC, Mỹ cho biết: "Đối với Mỹ, việc gắn mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc là động thái mang tính biểu tượng. Có thể xem là một bước leo thang và mở rộng hơn nữa cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Từ đối đầu thuế đến công nghệ nay là tiền tệ. Bản chất của động thái này là kích hoạt các công cụ nội luật của Mỹ nhằm ứng phó với việc đồng Nhân dân tệ bị phá giá. Theo đó, chính quyền Mỹ có thể viện đến cơ chế phán xét của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoặc tiến hành đàm phán song phương, trước khi mạnh tay hơn với hàng hóa, dịch vụ và công nghệ của Trung Quốc. Tóm lại, gắn mác thao túng tiền tệ mới chỉ là bước đầu, vẫn còn thời gian, dư địa để cả Mỹ và Trung Quốc trở lại đàm phán. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giờ sẽ diễn ra trong không khí ngột ngạt hơn nhiều so với trước kia".
"Có một thực tế là dù leo thang trả đũa song cả Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu ngấm đòn sâu hơn trong cuộc đối đầu thương mại hiện nay. Cả công cụ thuế lẫn tiền tệ mà Mỹ và Trung Quốc sử dụng đều là con dao hai lưỡi đối với hai nền kinh tế.
Vì thế, đúng là cuộc đối đầu này còn có nguy cơ kéo dài, lan rộng, thậm chí leo thang. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử Tổng thống, khe cửa để kết thúc cuộc đối đầu hiện nay đang hẹp dần, chính quyền Mỹ đang có lợi ích lớn trong việc giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế hệ luỵ tiêu cực của đối đầu thương mại Mỹ - Trung.
Do đó, đến một mức độ nhất định, rất có thể cả Mỹ và Trung Quốc sẽ phải tạm chấp nhật một mặt bằng mới trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương" - phóng viên Tuấn Trung cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!