Câu chuyện này ngay lập tức tạo nên những tranh luận trên thị trường bất động sản, đặc biệt với nhiều người mua nhà chung cư đã không tránh khỏi băn khoăn.
Ngay tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội, sát ngay cạnh nhau, giá nhà chung cư tại những tòa có giá trị sở hữu vĩnh viễn (gọi nôm na là loại nhà có sổ đỏ) thường cao hơn giá nhà chung cư sở hữu từ 40-50 năm (loại chỉ là hợp đồng thuê) khoảng 7-8 triệu đồng/m2. Chị Nguyễn Thúy Hạnh sống trong căn hộ sở hữu 45 năm cho biết, mặc dù giá có rẻ hơn hẳn, nhưng loại nhà này cũng mang đến nhiều hạn chế cho người sở hữu nó, đặc biệt là sự bấp bênh.
‘ Chuyện sở hữu chung cư khiến nhiều người mua nhà băn khoăn. Ảnh: Hà Nội mới
Trong khi đó, anh Thanh, một người vừa mới mua nhà phân tích: Nếu chọn mua căn hộ chung cư sở hữu 40-50 năm, tính ra có thể rẻ hơn tới 600-700 triệu đồng. Thế nhưng gia đình anh vẫn không muốn mua loại căn hộ dạng này mà chọn mua căn hộ thuộc dạng sở hữu vĩnh viễn, mặc dù đắt hơn do mong muốn sau này tài sản của mình có thể để lại cho con cháu. Trong trường hợp nếu sau này nhà chung cư chỉ được sở hữu 70 năm, thì gia đình anh lại chuyển sang mua đất nền chỉ là để được sở hữu vĩnh viễn.
Trước phương án đề xuất chung cư có thể sở hữu tối đa 70 năm, ông Phạm Như Trung, đại diện Savill Việt Nam tỏ ra hơi lo ngại, bởi trong bối cảnh chính sách nhà ở đang hướng người dân tập trung tại phân khúc chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, việc hạn chế thời hạn sở hữu sẽ rất khó khuyến khích sức mua. Do phần lớn tập quán của người dân Việt Nam khi đã mua được nhà có thể để thừa kế cho con cháu, nhất là với những người nghèo cả đời tằn tiện mới mua được nhà.
Theo dự thảo của Bộ Xây dựng, thời hạn sở hữu đối với nhà chung cư tối đa là 70 năm sẽ áp dụng trong trường hợp: Nhà nước giao đất với mục đích để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê, sau khi hết thời hạn, người dân phải bàn giao lại cho Nhà nước để xây dựng lại các công trình khác. Trong trường hợp này, chủ sở hữu nhà chung cư được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định.