Báo Giao Thông kỳ vọng có luật sẽ giảm áp lực đầu tư công và hút được nguồn vốn đầu tư hạ tầng vì PPP chính là đầu tư các dự án BOT hay BT. Vấn đề được nhắc tới nhiều nhất chính là cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu: 50 -50.
Theo đó, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết. Trái lại, Nhà đầu tư, cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Thay đổi này được coi là bước đột phá, tháo gỡ nút thắt hiện nay, giúp nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn. Tuy nhiên, Báo Giao thông trích dẫn nhiều ý kiến cho rằng đề xuất chưa hợp lý, vì khi dự án hụt thu thì nhà nước k mất quá 50%, còn nếu dự án vượt thu Nhà nước lại hưởng trên 50%. Phần lợi luôn thuộc về nhà nước thì sẽ khó hút vốn từ nhà đầu tư.
Báo Đại Biểu Nhân dân băn khoăn dự luật chưa làm rõ được nếu Nhà nước phải bù đắp thì nguồn tiền từ lấy đâu? Liệu có được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không, hay trích từ quỹ tích lũy trả nợ đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công không? Ngoài ra, Nếu áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu thì liệu việc kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP có tuân thủ nguyên tắc thị trường hay không? Những câu hỏi này sẽ được thảo luận nhiều hơn tại Quốc hội kỳ này.
Cũng liên quan tới dự án hợp tác công tư, báo Hải Quan có bài "Thu phí tự động không dừng: cách thức triển khai chưa tốt", nhấn mạnh sau 5 năm triển khai nhưng đến nay mới có 27/44 trạm thu phí lắp đặt hệ thống thu phí tự động, trong đó, mới có 11/44 trạm thu phí có hợp đồng chính thức, số còn lại do 2 bên chưa thống nhất được mức trích thu phí.
Khó khăn, thua lỗ tới 300 tỷ đồng nên VETC - đơn vị được Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, vừa đề nghị trả lại dự án để Nhà nước làm. Trong trường hợp bắt buộc họ phải làm, VECT yêu cầu Nhà nước có cơ chế bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính ban đầu. Tuy nhiên, bài viết cũng nhấn mạnh, nhà đầu tư không thể cứ thấy lãi thì lao vào, khó thì đòi chia sẻ rủi ro, cần xem lại cách thức thực hiện và tháo gỡ nút thắt giữa các bên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!