Báo chí châu Âu nhận định, trình độ làm hàng giả của Trung Quốc ngày càng được nâng cao, do vậy hải quan châu Âu ngày càng phải đầu tư nhiều hơn để ngăn chặn.
Cơ quan Thuế quan của Pháp vừa công bố báo cáo hoạt động năm 2016, trong đó đã thu giữ hơn 9 triệu hàng giả nhập khẩu vào Pháp, trong đó hơn 2/3 là từ Trung Quốc.
Tờ Người Paris cho biết, số hàng giả đó nếu tính theo trị giá hàng thật sẽ ở khoảng 285 triệu Euro. Tờ báo liệt kê những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất là quần áo, đồ chơi, đồ thể thao, điện thoại di động, phụ kiện, giày dép. Phần còn lại là thuốc chữa bệnh, xe nôi trẻ em, mỹ phẩm, nhập lậu vào Pháp theo đường biển. Bài báo trích lời ông Quốc vụ khanh Pháp phụ trách Ngân sách, rằng "Nguồn gốc của đa số hàng giả là từ một số vùng của Trung Quốc".
Đầu tháng trước, Hải quan Italy cũng bắt được một vụ hàng giả quy mô lớn, phát hiện 300.000 đôi giày giả made in China, theo tờ Il Messaggero. Italy nổi tiếng thế giới về giày da cao cấp, nên đây là chuyện to. Theo bài báo, số giày giả đó được sản xuất tại tỉnh Chiết Giang và nếu trót lọt, số giày đó sẽ được đưa vào một số cửa hàng ở thủ đô Roma và các tỉnh phía Nam Italy, thậm chí sang cả Tây Ban Nha".
Quy mô chế tạo hàng giả tại Trung Quốc làm cho tờ Thời báo phải choáng váng, trong phóng sự điều tra có tiêu đề "Trung Quốc bùng nổ công nghiệp đồ giả". Phóng viên tờ báo Thụy Sĩ đã tới chợ đồng hồ giả lớn nhất Trung Quốc, tại Quảng Châu và nhận thấy "Nếu như giá của đồng hồ Thụy Sĩ thật dao động từ khoảng 3.000 - 250.000 Francs, thì ở đây chỉ từ 300 - 3.000 Francs". Tóm lại, nếu một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ trị giá gần 6 tỷ đồng Việt Nam, thì hàng giả Trung Quốc giống y hệt chỉ là 70 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi năm, Trung Quốc bán ra trên khắp thế giới khoảng 30 triệu đồng hồ Thụy Sĩ giả.
Phát hiện hàng giả ngày càng khó, do trình độ làm giả đã lên tới mức rất cao. Tờ báo Thụy Sĩ viết: "Các nhà máy tại Trung Quốc làm giả mọi thứ: đồng hồ, mỹ phẩm, sữa bột, biến thế điện, linh kiện xe hơi và cả thuốc chữa bệnh". Một chuyên viên của hãng dược Novartis nói với phóng viên rằng, "Trước đây viên thuốc giả thường chỉ chứa đường hay là bột mỳ, thì nay có chứa cả dược chất". Trong khi đó, đồng hồ đeo tay, ngay cả loại tinh xảo nhất cũng được làm giống tới 90%. Năm 2016, 84% tổng số hàng giả nhập khẩu vào Thụy Sĩ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!