8/10 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm nay thuộc về các Tập đoàn công nghệ. Công nghệ được xem là con đường duy nhất để tạo sự đột phá ở cả quy mô doanh nghiệp lẫn quy mô quốc gia. Để có các doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh, trước hết phải tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Theo công ty nghiên cứu thị trường ANTS năm 2018, thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam có giá trị khoảng 550 triệu USD. Trong đó, 2/3 doanh thu thuộc về Facebook, Google hay YouTube và 1/3 còn lại chia nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước. Điều đáng nói, trong khi các doanh nghiệp trong nước đóng thuế và tuân thủ nghiêm các quy định về nội dung số, thì doanh nghiệp công nghệ xuyên quốc gia không phải đóng thuế và đứng ngoài các khuôn khổ kiểm soát. Điều tương tự cũng xảy ra với thị trường xe công nghệ.
Cuối năm 2018, Grab Việt Nam chiếm đến 70% thị phần taxi trong nước, 30% còn lại chia nhỏ cho các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, số thuế Grab phải nộp tối đa chỉ 3%, còn đối với taxi truyền thống lên đến 10%. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước cho rằng đây là sự bất bình đẳng với họ.
Lắng nghe và phản hồi tại chỗ kiến nghị của doanh nghiệp, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ không để kéo dài tình trạng "bảo hộ ngược".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!