Bất chấp COVID-19, Việt Nam vẫn thu hút FDI

Minh Hằng-Thứ ba, ngày 17/11/2020 07:00 GMT+7

VTV.vn - Tuy tổng số vốn đăng ký đầu tư giảm gần 20% do ảnh hưởng của dịch bệnh, số vốn đầu tư vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 10 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam đã giảm gần 20%. Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và đầu tư, số vốn mở rộng đầu tư vẫn tăng khoảng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.).

Bên cạnh các đối tác đầu tư truyền thống, năm nay còn chứng kiến sự bứt phá đầu tư của một đối tác trong khu vực vươn lên vị trí dẫn đầu, đó chính là Singapore. Với tổng vốn đầu tư 7,5 tỷ USD, Singapore hiện đã trở thành đối tác đầu tư số 1 của Việt Nam, tiếp sau là những cái tên quen thuộc như Hàn Quốc đứng thứ 2 với 3,42 tỷ USD, Trung Quốc thứ 3 với 2,17 tỷ USD. Nhật Bản lui xuống vị trí thứ 4 và thứ 5 là Đài Loan (Trung Quốc). Sở dĩ có sự thay đổi ở vị trí dẫn đầu, bởi lẽ Singapore là nơi tập trung rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia.

Bất chấp COVID-19, Việt Nam vẫn thu hút FDI - Ảnh 1.

Với tổng vốn đầu tư 7,5 tỷ USD, Singapore hiện đã trở thành đối tác đầu tư số 1 của Việt Nam.

"Singapore không chỉ là 1 đất nước mà còn là hub của cả thế giới tại khu vực Châu Á. Rất nhiều tập đoàn lớn khi đầu tư ở Việt Nam, khi đàm phán tìm hiểu là công ty mẹ, còn khi làm hồ sơ đầu tư vào Việt Nam, lại là danh nghĩa công ty Singapore, nên trong số 7,5 tỷ USD này chỉ 1 phần là công ty Singapore, còn lại rất nhiều là các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Singapore", ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho hay.

Còn với các đối tác truyền thống, dù số vốn đăng ký đầu tư giảm do ảnh hưởng chung bởi dịch COVID-19, nhưng họ vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Thậm chí giai đoạn này chất lượng các dự án còn được đầu tư hơn. Trong 10 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm hơn 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD, còn lại là các lĩnh vực khác.

Bất chấp COVID-19, Việt Nam vẫn thu hút FDI - Ảnh 2.

Để chuẩn bị đón các dòng vốn đầu tư mới này, Việt Nam cũng đang rà soát lại các vấn đề liên quan đến đất đai công nghiệp, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực.

Mới đây, chính phủ Nhật Bản cũng đã chọn ra 15 doanh nghiệp để hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam. Hiện gói hỗ trợ này đã kết thúc ở giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 và 3. Theo Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro), Ông Takeo Nakajima: "Chính phủ Nhật Bản đã quyết định triển khai gói hỗ trợ phát triển đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Khi thực hiện chương trình đó, các doanh nghiệp của Nhật Bản, thay vì sẽ sản xuất 100 sản phẩm ở Trung Quốc, giờ 50 sản phẩm sẽ được sản xuất ở Việt Nam, hoặc những sản phẩm đang được sản xuất ở Trung Quốc cũng đồng thời được sản xuất ở Việt Nam. Như vậy việc đảm bảo cho chuối cung ứng cũng sẽ tốt hơn."

Để chuẩn bị đón các dòng vốn đầu tư mới này, Việt Nam cũng đang rà soát lại các vấn đề liên quan đến đất đai công nghiệp, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời sửa đổi 1 loạt các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh cũng như đưa ra 1 loạt ưu đãi đặc biệt để vừa thu hút được đầu tư, vừa tăng cường được vai trò quản lý nhà nước trong việc để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thuận lợi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước