Bí đầu ra cho cá lóc nuôi

Tấn Hưng (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ năm, ngày 22/09/2016 06:48 GMT+7

VTV.vn - Với khởi đầu là "sản xuất theo phong trào", đua nhau đào mới hàng trăm ha mặt nước để nuôi cá lóc (cá quả) dẫn đến điểm kết thúc là khó tiêu thụ, bất lực nhìn cá rớt giá.

Cá lóc là một trong những mặt hàng thủy sản có giá trị kinh tế cao ở ĐBSCL. Trước sự bấp bênh của nghề nuôi cá tra trong khi tận dụng được những chiếc ao bỏ trống, việc chuyển hướng đầu tư cho cá lóc thay cho cá tra là một hướng đi giàu triển vọng. Thế nhưng, "đường bơi" của cá lóc cũng lại đang giống như cá tra.

Người nuôi cá lóc đứng ngồi không yên

Chỉ trong 2 năm, ao cá lóc đã xuất hiện dày đặc dọc theo tuyến kênh trung tâm, đoạn qua xã Thường Thới Tiền. Hiện nay, rất nhiều ao đã đến lứa xuất bán sau 4 tháng nuôi và đạt trọng lượng từ 400 - 600 gram/con.

Cá đến lứa bắt buộc phải bán nhưng những hộ nuôi cá lóc ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại không mấy vui bởi giá thành đầu tư đã là 30.000 đồng trong khi giá bán chỉ 27.000 đồng/kg.

Bí đầu ra cho cá lóc nuôi - Ảnh 1.

Ao nuôi cá lóc phát triển ồ ạt tại ĐBSCL

Để đầu tư cho một ao nuôi cá diện tích khoảng 1.000 m2, nông dân phải bỏ ra ít nhất 100 triệu đồng chi phí xây dựng cơ bản, thêm 100 triệu tiền con giống và thức ăn, thuốc khoảng 600 triệu đồng. Mặc dù số tiền đầu tư lớn là vậy nhưng không mấy ai đảm bảo được đầu ra của sản phẩm.

Đầu ra của cá lóc hiện nay chủ yếu là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu một phần sang Campuchia hoặc làm khô. Chính vì thế, với sản lượng hiện tại lên đến 12.500 tấn/năm, nông dân Đồng Tháp đang đứng ngồi không yên vì giá giảm và khó tiêu thụ.

Nguồn cung cá lóc vượt cầu

Nuôi cá lóc đã nhanh chóng lan ra các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh với diện tích nuôi cá lóc tại ĐBSCL hiện nay là 1.000 ha, sản lượng đạt khoảng 65.000 tấn.

Tại các địa phương này, diện tích đều tăng từ 10 - 30% so với năm 2015. Nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu thị trường không đổi dẫn đến việc cá bị tồn đọng.

Con cá phá cây lúa - Cái giá của sự thiếu quy hoạch

"Quy hoạch" có lẽ vẫn là từ xa xỉ nhất đối với nhiều loại vật nuôi cây trồng ở Việt Nam. Không có quy hoạch, thời vàng son của sản phẩm nào cũng chỉ là một giai đoạn ngắn hoặc rất ngắn. Và khi thua lỗ, bí bách lại tạo nên những cuộc cãi vã không đáng có giữa chính bà con lối xóm. Nếu như ở Kiên Giang có mâu thuẫn lúa - tôm thì tại Hồng Ngự - Đồng Tháp, giờ là cuộc tranh chấp giữa lúa và cá lóc.

Bí đầu ra cho cá lóc nuôi - Ảnh 3.

Nước thải từ các ao nuôi tôm đang giết dần các ruộng lúa lân cận.

Thường Thới Tiền là một trong những điểm nóng về phát triển mô hình nuôi cá lóc. Từ vài hộ ban đầu, đến nay đã có hàng chục hộ với gần 100 ao thả nuôi cá lóc xuất hiện, trong khi đây là vùng lúa 3 vụ ăn chắc với đê bao khép kín. Lãnh đạo xã cho biết đã đề nghị xử phạt hơn 30 hộ đào ao trái phép cũng như có hành vi xả chất thải từ ao cá ra môi trường.

Không nằm trong quy hoạch nên con kênh trung tâm hoặc đường nước gần ruộng được biến thành nơi xả thải của những ao cá lóc. Do thức ăn của cá lóc có độ đạm cao nên nguồn nước thải ra rất hôi và ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, sản xuất của người trồng lúa.

Cách đây vài tháng, gần 50 ha lúa ở 2 xã Thường Thới Tiền, Phú Thuận B bị chết và nguyên nhân theo người dân là do bị ảnh hưởng bởi nước thải từ những ao cá. Nói cách khác, ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp, con cá đang phá cây lúa.

Chưa có hướng giải quyết “cuộc chiến” giữa tôm và lúa ở Kiên Giang Chưa có hướng giải quyết “cuộc chiến” giữa tôm và lúa ở Kiên Giang

VTV.vn - 1 tháng kể từ khi PV VTV24 phản ánh chuyện về cuộc chiến giữa con tôm và cây lúa ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, đến nay, vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước