Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.
Với việc cung cấp mặt hàng thủy sản các siêu thị, nếu vẫn được giữ mức chiết khấu trung bình 15% thì các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hóa mới tránh được tình trạng thua lỗ.
Hiện cả nước có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia cung cấp hàng nội địa, thị phần chiếm khoảng 90% sản lượng đưa vào kênh siêu thị.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nếu tăng mức chiết khấu cho các siêu thị trong thời điểm này thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ, bởi chiết khấu tăng nhưng giá bán lại không đổi.
"Mức chiết khấu tiệm cận 20%, mức khá cao, khiến không ít các doanh nghiệp không chịu được, không còn năng lực để tái đầu tư. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị trên tinh thần đôi bên cùng có lợi giữa hệ thống cung ứng của các doanh nghiệp thành viên với các hệ thống siêu thị để cả hai bên cùng đảm bảo phục vụ tối đa lợi ích cho người tiêu dùng với hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết.
Các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Dân trí)
Đại diện một siêu thị cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, không phải là thời điểm phù hợp để các siêu thị tăng mức chiết khấu. Điều quan trọng là siêu thị và nhà cung cấp nên có sự phối hợp hài hòa và đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp đồng ý tăng mức chiết khấu cho siêu thị để tránh bị lỗ thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán, cuối cùng người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt. Trong khi đó, doanh nghiệp bị giảm sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại, đặc biệt là sản phẩm nhập khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!