Đông Nam Á hiện đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều đang chứng kiến số ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có. Các chuyên gia lo ngại, làn sóng COVID-19 do biến thể Delta bùng phát khắp Đông Nam Á, có thể tác động lớn các hoạt động kinh doanh và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu bởi khu vực này đang là 1 trong những trung tâm sản xuất lớn.
Tại Malaysia, sự hoành hành của biến thể Delta đã buộc chính phủ nước này phải hạn chế số lượng lao động tại một số cơ sở sản xuất. Theo đó, các nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất thép được phép tiếp tục hoạt động nhưng chỉ được phép duy trì 10% nhân viên làm việc, trong khi các công ty điện tử, hóa chất và dược phẩm bị giới hạn ở mức 60% lực lượng lao động.
Tiêm phòng COVID-19. Ảnh minh họa: AP
Quy định này buộc tập đoàn Panasonic tạm ngừng hoạt động tại một số nhà máy tại Malaysia.
Ông Hirokazu Umeda, Giám đốc Tài chính Panasonic, cho biết: "Giấy phép hoạt động được cấp hàng tuần. Các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì sự linh hoạt và điều chỉnh lịch trình sản xuất dựa trên các quy định của chính phủ".
Tại Thái Lan, việc số ca mắc mới liên tục lập đỉnh, trên 20 nghìn ca/ngày đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn không có đủ linh kiện để sản xuất, do phụ thuộc vào ngành công nghiệp phụ trợ nội địa. Số ca mắc COVID-19 tại nhiều nhà cung cấp khiến Toyoya rơi vào cảnh thiếu phụ tùng trầm trọng và buộc phải đóng cửa 3 nhà máy tại Thái Lan từ ngày 20/7. Tiến trình khởi động lại hiện vẫn chưa chắc chắn.
Còn tại Indonesia, các biện pháp hạn chế di chuyển trên các đảo Java và Bali đã buộc doanh nghiệp chỉ được duy trì dưới 50% số lượng lao động với những ngành nghề không thiết yếu, buộc nhiều nhà máy vận hành chưa bằng một nửa so với công suất bình thường.
Chính bởi những quốc gia mắt xích trong chuỗi cung ứng khu vực có khả năng bị đứt gãy một khi dịch chưa được kiểm soát, Ngân hàng phát triển châu Á ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của nhiều nước tại Đông Nam Á nói riêng và cả khu vực nói chung từ mức từ 4,4% xuống còn 4% trong năm nay.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh, cho biết: "Đông Nam Á - công xưởng chính của thế giới, đang chiếm 50% chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng như điện tử, linh kiện, may mặc… Sự lan rộng của Delta, tăng trưởng hạ là chuyện không ngoài dự báo do đứt gãy chuỗi cung ứng".
Cũng theo ADB, để củng cố chuỗi cung ứng tránh bị đứt gãy, các nước ASEAN cần đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng bởi chỉ số tiêm chủng sẽ là 1 trong những chỉ dấu quan trọng về dự báo tăng trưởng của kinh tế thời gian tới.
Một lời giải khác cũng được nhắc tới là ASEAN cần đẩy mạnh liên kết thương mại nội khối. Khi đó dòng lưu thông hàng hóa vẫn có thể ổn định chảy, hạn chế sự đứt gãy từ bên trong cũng như tránh nguy cơ bị "bật khỏi" chuỗi cung ứng toàn cầu hậu dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!