Bình ổn thị trường hàng tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh

VTV Digital-Thứ ba, ngày 18/06/2024 18:13 GMT+7

VTV.vn - TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các doanh nghiệp, tiểu thương chợ truyền thống tăng cường kiểm soát giá cả, có phương án dự trữ hàng hoá, ổn định thị trường hàng tiêu dùng từ

Kiểm soát lạm phát ở mức 4 - 4,5% và đạt tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024, mục tiêu này được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với các bộ, ngành có liên quan.

Trong bối cảnh sức mua toàn thị trường chưa bứt phá, giá cả một số loại hàng hoá thiết yếu có xu hướng tăng. Đồng thời nghiêm túc thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra, TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các doanh nghiệp, tiểu thương chợ truyền thống tăng cường kiểm soát giá cả, có phương án dự trữ hàng hoá, ổn định thị trường hàng tiêu dùng từ nay tới cuối năm.

Chương trình bình ổn thị trường là công cụ phát huy hiệu quả cao nhất trong việc kiểm soát giá, theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Góp phần đưa chỉ số CPI tháng 5 chỉ tăng 0,15%, luỹ kế 5 tháng tăng 3,24% so với cùng kỳ, thấp hơn mức chung của cả nước. Công cụ này tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn nửa cuối năm, đảm bảo người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm có mức giá cạnh tranh, hợp lý.

Bình ổn thị trường hàng tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các doanh nghiệp, tiểu thương chợ truyền thống tăng cường kiểm soát giá cả

Chị Nguyễn Thị Phương Loan, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Bình ổn giá tốt, thu hút người đến siêu thụ, mua được giá tốt mà chất lượng cũng tốt. Mình mua cũng nhiều, dành cho cả tuần và tuần tiếp theo đi tiếp".

Để giữ sức mua, doanh nghiệp bình ổn mặt hàng thịt cho biết, hiện giá lợn hơi biến động từng ngày nhưng doanh nghiệp vẫn giữ giá bán thấp hơn 5-10% so với giá thị trường, ở mức 66.000 đồng/kg cho cả kênh siêu thị và chợ truyền thống.

Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản chia sẻ: "Tiếp tục rà soát các khoản chi phí, làm việc với tất cả các đối tác cung ứng đầu vào, họ cũng không được tăng giá. Có một khoản ngân sách nhất định như vậy thì chúng tôi đầu tư khuyến mãi".

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gạo đã chủ động nguồn hàng dự trữ lên gấp 4-5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái, đảm bảo cung ứng sản lượng đủ cho thị trường trong mọi tình huống.

Bà Nguyễn Thị Hợp - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty APG Eco nêu ý kiến: "Đã bao tiêu được nguồn, số lượng lớn lượng gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự trữ, vẫn đảm bảo đầu ra không tăng giá trong thời gian tới, từ nay tới cuối năm. Thứ hai, chúng tôi có thêm những chương trình sale lớn".

Ngoài cam kết đồng hành của doanh nghiệp, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, các chợ truyền thống đang tăng cường kiểm soát giá cả, chất lượng cũng như việc cân, đong hàng hóa, niêm yết giá trong phạm vi quản lý của chợ.

Ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Hộ kinh doanh bán các mặt hàng bình ổn thị trường vẫn tham gia bán các sản phẩm đó với giá theo quy định của chương trình bình ổn thị trường. Riêng đối với các mặt hàng khác, thương nhân và các hộ kinh doanh bán và công khai giá bán. Ban quản lý chợ và UBND các quận, huyện thường xuyên tham gia kiểm soát và quản lý đối với lĩnh vực này".

Mặt khác, chương trình Khuyến mại tập trung đợt 1 của TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức khởi động, kéo dài đến giữa tháng 9. Sẽ có từ 10-15 sự kiện khuyến mại hàng tiêu dùng, sản phẩm thiết yếu ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, quận, huyện vùng ven để người tiêu dùng thêm cơ hội mua sắm hàng hóa với giá cả ưu đãi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước