Thực trạng này đã diễn ra gần 4 năm nay nhưng chưa có phương án xử lý. Trong khi các dự án titan chưa có nhiều đóng góp, việc các dự án khác "dậm chân tại chỗ" đã và đang gây ra những tổn thất không nhỏ cho phát triển kinh tế của địa phương.
Dự án khai thác titan tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận này có quy mô hơn 500 ha nhưng gần một nửa diện tích đã bị chồng lấn với 5 dự án du lịch khác. Đại diện một khu du lịch nằm cạnh dự án này cho biết, việc khai thác titan không chỉ gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà các doanh nghiệp xung quanh cũng không thể mở rộng đầu tư để kinh doanh.
33 dự án du lịch, điện gió, trồng rừng được cấp phép đầu tư cả chục năm vẫn chưa hoàn thành vì khi quy hoạch được công bố vào năm 2013, tất cả các dự án bị chồng lấn đều phải dừng lại để ưu tiên cho các dự án titan.
Theo đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Thuận, tình trạng này khiến nhiều nhà đầu tư mất đi cơ hội kinh doanh khi đã bỏ vốn nhưng dự án lại dở dang suốt nhiều năm trời.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận thừa nhận, các dự án titan đóng góp rất hạn chế cho ngân sách địa phương. Trong khi đó, các dự án khác bị tạm dừng cũng không mang lại nguồn thu cho tỉnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng con số gần 600 triệu tấn trữ lượng titan được công bố theo quy hoạch năm 2013 chỉ là phỏng đoán, chưa có cơ sở để đánh giá. Trong khi đó, các dự án kinh tế - xã hội khác lại không làm được gì. Nếu tiếp tục kéo dài, Bình Thuận có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất cả chì lẫn chài.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!