Theo đề xuất, chức năng của Ủy ban quản lý doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) xoay quanh 3 nội dung chính: Khả năng đầu tư tài chính, mà điển hình là công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước SCIC; Quản trị và thực hiện quyền sở hữu tại các tập đoàn Nhà nước theo cơ chế thị trường; Cơ cấu lại danh mục đầu tư của Nhà nước để tập trung vào những ngành nghề chiến lược.
Dựa vào 3 chức năng này, mô hình siêu Ủy ban sẽ học hỏi từ các mô hình quốc tế để áp dụng phù hợp vào điều kiện Việt Nam.
Đảm nhận việc quản lý hàng triệu tỷ đồng của 9 tập đoàn, 21 tổng công ty lớn, đề án của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM - thuộc Bộ KHĐT) đề xuất nhân sự của siêu Ủy ban sẽ bao gồm các chuyên viên đầu tư, chuyên viên quản lý chuyên nghiệp, chuyên viên phân tích đánh giá và quản trị rủi ro.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, bất cập lớn nhất trong quản lý DNNN cần xóa bỏ là sự chồng chéo, mâu thuẫn lợi ích trong quản lý vốn, khi các cơ quan quản lý Nhà nước vừa đá bóng, vừa thổi còi; vừa quản lý Nhà nước, vừa quản lý doanh nghiệp. Do đó, mô hình “siêu Ủy ban” dự kiến sẽ giải quyết triệt để bất cập này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!