Bộ Tài chính: Theo dõi sát thị trường để có biện pháp bình ổn

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 04/03/2022 20:03 GMT+7

VTV.vn - Bộ Tài chính đề xuất theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, giá các nguyên vật liệu chính cho sản xuất trong nước để có biện pháp kịp thời bình ổn thị trường.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra giá và kịp thời xử lý các hành vi nâng giá bất hợp lý, găm hàng, trục lợi bất chính, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý; mặt khác, cần thận trọng khi xem xét điều chỉnh giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu và giá các mặt hàng nguyên, vật liệu chính cho sản xuất trong nước để có biện pháp kịp thời bình ổn là một trong nhiều giải pháp được Bộ Tài chính đề xuất với Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng nhằm bình ổn giá và kiểm soát lạm phát.

Theo Bộ Tài chính, mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm nay biến động tăng, trong đó tác động chủ yếu là do giá xăng dầu và gas tăng. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế như miễn, giảm thuế, lệ phí đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Bộ Tài chính: Theo dõi sát thị trường để có biện pháp bình ổn - Ảnh 1.

Mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm nay biến động tăng, trong đó tác động chủ yếu là do giá xăng dầu và gas tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đồng thời, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng.

Bộ Tài chính cũng dự báo trong tháng 3 và các tháng còn lại của năm, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như: xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng rất cần có các giải pháp bình ổn giá và kiểm soát lạm phát với sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan.

"Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường, qua đó giảm áp lực lên giá xăng dầu. Tuy nhiên cũng kiến nghị Bộ Công Thương quản lý tốt nguồn cung, trong đó cân đối nguồn cung trong nước cũng như việc nhập khẩu để bù đắp phần còn thiếu của sản xuất trong nước. Trường hợp giảm thuế bảo vệ môi trường, giá trong nước sẽ thấp hơn một số quốc gia trong khu vực nên phải quản lý tốt việc buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài.

Chúng tôi kiến nghị các mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ giáo dục y tế không điều chỉnh giá trong tháng 3 và quý 2. Cuối năm, chúng ta tính toán, nếu còn dư địa sẽ báo cáo Thủ tướng và Ban chỉ đạo điều hành giá xem xét điều chỉnh phù hợp", ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết.

Tăng cường kiểm soát lạm phát khi giá xăng tăng Tăng cường kiểm soát lạm phát khi giá xăng tăng

VTV.vn - Bộ Tài chính đã có kịch bản điều hành giá bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát khi giá xăng tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước