Đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (Hà Nội) nằm trong danh sách 4 chung cư cũ cấp độ D. (Ảnh: TTXVN)
Qua rà soát, Bộ Xây dựng chỉ ra 5 nguyên nhân khiến việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn còn chậm.
Trong tổng số 2.500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1994 được thống kê trên toàn quốc, hiện cơ quan chức năng đã rà soát, kiểm định 600 nhà chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm cấp C, D, chiếm khoảng 25%.
Dẫn đầu danh sách chung cư cũ hư hỏng và nguy hiểm cấp C, D là Hà Nội với 179 nhà chung cư, Hải Phòng 178, Thành phố Hồ Chí Minh 130, Quảng Ninh 46, Nghệ An 22…
Theo Bộ Xây dựng, hiện số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn toàn quốc quá lớn, tình trạng sở hữu, sử dụng đa dạng thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý, dẫn đến khó tiếp cận, kiểm đếm, rà soát chất lượng trong thời gian ngắn; chậm xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Một góc khu chung cư cũ tại phường Mỏ Chè. (Ảnh: TTXVN)
Thêm vào đó, đa số nhà chung cư cũ tập trung tại khu vực nội thành cũ, thuộc khu vực hạn chế phát triển về mật độ, tầng cao và đặc biệt là dân số. Ngoài ra, ngân sách của địa phương cũng còn hạn chế. Các địa phương cũng chưa chủ động, linh hoạt để bố trí quỹ đất và vốn hỗ trợ lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng để tái định cư cũng như đầu tư hạ tầng. Một số quy định của pháp luật liên quan còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng để thực hiện trên thực tế.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là chưa có sự thống nhất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân có nhà chung cư bị phá dỡ xây dựng lại với doanh nghiệp tham gia cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Bộ Xây dựng phân tích, người dân đòi bồi thường cao, không chịu bàn giao mặt bằng, trong khi đó, chủ đầu tư lại muốn lợi nhuận cao chi phí bỏ ra thấp, do vậy cũng làm chậm quá trình thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!