Việc vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục được phát triển và phân phối trong năm 2021 có thể giúp làm giảm đi những lo ngại trên các thị trường toàn cầu, nhưng những yếu tố không chắc chắn vẫn còn.
Dù kinh tế toàn cầu có thể sẽ phục hồi, tác động của đại dịch không nên bị xem nhẹ và thương mại toàn cầu đang được định hình lại bởi các rủi ro địa chính trị và việc chuyển giao quyền lực ở các nền kinh tế lớn. Những yếu tố này đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư về giá cả bốn loại tài sản chính là vàng, USD, dầu thô và cổ phiếu.
Giá vàng có được giữ vững?
Vàng luôn là tài sản an toàn với các nhà đầu tư. Trong năm 2020, những lo ngại về đồng USD đã âm ỉ do sự kết hợp của các yếu tố là đại dịch, sự giảm sút về kinh tế, rủi ro địa chính trị gia tăng và nợ quốc gia của Mỹ tăng. Khi những yếu tố bất lợi xuất hiện và tồn tại kéo dài, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà các nước thực hiện, ngày càng nhiều nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào các tài sản an toàn như vàng và do đó sẽ đẩy giá kim loại quý này lên.
Giá vàng tăng mạnh trong năm 2020. Sau khi đại dịch bùng phát, những rủi ro về thanh khoản một lần nữa lại nổi lên trên thị trường tài chính quốc tế và giá kim loại quý này đã giảm mạnh sau khi tăng mạnh vào đầu năm. Khi lòng tin của thị trường được cải thiện, giá vàng bắt đầu phục hồi vào tháng Ba và chạm mức kỷ lục 2.075 USD/ounce vào tháng Tám trước khi giảm xuống sau đó. Vào ngày 31/12, giá vàng kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa New York chốt phiên ở mức 1.895,1 USD/ounce, tăng 24% trong cả năm.
Các tổ chức đã đưa ra các dự báo lạc quan về giá vàng trong năm 2021, trước những yếu tố bất trắc liên quan đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu và những lo ngại về lạm phát. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng trở lại của các nền kinh tế mới nổi và sự gia tăng nợ trên toàn cầu là những yếu tố cũng đang hỗ trợ giá vàng.
Citibank gần đây đã dự báo giá vàng sẽ vọt lên mức 2.200 USD/ounce trong 3 tháng và lên 2.400 USD/ounce trong 6 - 12 tháng. Goldman Sachs cũng nhận định nhu cầu vàng sẽ mạnh lên ở các thị trường mới nổi khi nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ có những dấu hiệu trở lại bình thường.
Đồng USD sẽ tiếp tục xuống giá?
Hồi tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố chương trình nới lỏng định lượng không thời hạn và không hạn chế, hạ lãi suất tại hai cuộc họp với mức hạ tổng cộng 150 điểm cơ bản, cho thấy nỗ lực của chính phủ nước này trong việc kích thích nền kinh tế chịu tác động của đại dịch. Những động thái quyết liệt như vậy đã khiến đồng USD lao dốc.
Khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về quỹ phục hồi từ đại dịch trị giá 750 tỷ Euro (915 tỷ USD) hồi tháng Bảy, việc tăng cường hội nhập tài chính ở EU đã thúc đẩy lòng tin của các nhà đầu tư vào khối này và đồng Euro. Do đó, trong khi đồng USD giảm, đồng Euro lại mạnh lên trong bối cảnh sự lạc quan lớn hơn, đảo ngược giai đoạn xuống giá kéo dài của đồng tiền chung này.
Đồng USD được dự báo sẽ yếu đi. (Ảnh: Bloomberg)
Người phụ trách chiến lược thị trường tại Cambridge Global Payments, Karl Schamotta, cho rằng thị trường đã chuyển hướng sang đồng Euro với giả định Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) sẽ chịu ít tác động về kinh tế hơn.
Ngân hàng ANZ của Australia dự báo tỷ giá Euro và USD sẽ tăng lên 1,3 USD đổi 1 Euro trong trung hạn, với mức dự báo vào cuối năm là 1,28 USD đổi 1 Euro.
Ngân hàng HSBC cho rằng tỷ giá của đồng Euro tăng cho thấy sức hấp dẫn của tài sản rủi ro và việc đồng USD xuống giá. J.P. Morgan Asset Management nhận định sức hấp dẫn của các tài sản tài chính của Mỹ bắt đầu giảm đi và trong 10 - 15 năm tới, đồng USD sẽ vẫn yếu.
Giá dầu thô sẽ cao đến mức nào?
Giá dầu thô trong năm 2020 đã phục hồi theo hình chữ V.
Giá dầu của Mỹ giảm gần 1/3 vào ngày 9/3, mức giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi giữa Saudi Arabia và Nga nổ ra cuộc chiến giá cả. Và một lần nữa, vào ngày 20/4, giá dầu giảm xuống dưới mức 0 lần đầu tiên, xuống tới -37,63 USD/thùng tại New York, với tình trạng dư cung do đại dịch đe dọa các cơ sở dự trữ.
Nhu cầu phục hồi và giá dầu tăng trong nửa cuối năm 2020 khi thị trường dầu thô quốc tế đã thắt chặt nguồn cung và các hoạt động kinh doanh đã được nối lại ở nhiều nền kinh tế. Ngày 31/12, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 2/2021 chốt phiên ở mức 48,52 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, giảm 20,5% so với năm ngoái. Trong cùng phiên, giá dầu Brent giao tháng Ba ở mức 51,8 USD/thùng tại Sàn London ICE Futures, mất 21,5% trong năm qua.
Deloitte nhận định nhu cầu dầu năm 2021 sẽ phục hồi mạnh nhưng vẫn chưa quay về mức trước đại dịch. (Ảnh minh họa: Bloomberg)
Nhiều nhận định cho rằng việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ thúc đẩy sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế của toàn cầu cũng như nhu cầu và giá dầu.
Ngân hàng Barclays của Anh cho rằng khả năng sẽ có vaccine hiệu quả cao trong ngắn hạn sẽ là cú hích đối với nhu cầu dầu mỏ, khi có thể đảm bảo một sự phục hồi kinh tế bền vững. Ngân hàng này nhận định giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 53 USD/thùng và giá dầu WTI sẽ ở mức 50 USD/thùng trong năm 2021.
Trong dự báo về lĩnh vực dầu khí, Deloitte nhận định nhu cầu dầu năm 2021 sẽ phục hồi mạnh nhưng vẫn chưa quay về mức trước đại dịch.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho rằng dự trữ dầu toàn cầu cao và công suất sản xuất dư thừa sẽ vẫn cản trở giá dầu tăng trong phần lớn năm 2021, nhận định giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 47 USD/thùng trong nửa đầu năm 2021 và tăng lên 50 USD/thùng trong quý IV.
Giá cổ phiếu sẽ hạ nhiệt?
Phố Wall trên đà tăng giá mạnh trong năm 2020. Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng trước những yếu tố khó dự báo với việc giảm mạnh, phải dừng giao dịch bốn lần trong tháng Ba.
Tuy nhiên, trong tháng 11/2020, chỉ số Dow Jones vượt ngưỡng 30.000 điểm lần đầu tiên, tăng 11,8%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất trong 3 thập kỷ.
Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: The New York Times)
Người phụ trách một chuyên mục trên tờ Wall Street Journal, James Mackintosh, cho rằng điều quan trọng trong năm 2020 không phải là lợi nhuận doanh nghiệp mà là tốc độ và quy mô phản ứng của các ngân hàng trung ương và các chính phủ, cùng với việc thị trường chứng khoán Mỹ đã không còn chung nhịp với nền kinh tế, khi nền kinh tế càng yếu hơn, lợi nhuận càng giảm đi, giá cổ phiếu lại càng tăng mạnh, ít nhất là tại Mỹ.
Theo Credit Suisse, các thị trường chứng khoán châu Á đã sẵn sàng vượt qua các thị trường toàn cầu trong năm 2021, khi một siêu chu kỳ lợi nhuận được cho là sẽ diễn ra trong khu vực. Các nhà phân tích Nhật Bản cho rằng thị trường chứng khoán nước này đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2020, tăng hơn 11% và có thể vẫn duy trì động lực trong năm 2021.
Các thị trường chứng khoán châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Goldman Sachs dự báo chỉ số FTSE 100 của Anh sẽ tăng lên 7.200 điểm vào cuối năm 2021. Trong khi đó, Deutsche Bank dự đoán chỉ số DAX của Đức sẽ chạm mốc 14.000 điểm và chỉ số Euro Stoxx 50 của Eurozone sẽ đạt ngưỡng 3.500 điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!