Giá trị giao dịch của Bitcoin hiện đang ở quanh mốc 10.700 USD/Bitcoin, tăng trên 8%. Điều dễ nhận thấy lúc này là tâm lý thị trường càng hưng phấn bao nhiêu, tâm lý giới chuyên gia và nghiên cứu lại càng lo lắng bấy nhiêu về khả năng bong bóng của Bitcoin bởi nó có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Quá trình tăng giá chóng mặt của Bitcoin trong năm 2017
Bitcoin đã từng mất hơn 1.000 ngày để đi từ mức giá vài Cent đến mốc 1.000 USD. Tuy nhiên, kể từ khi Bitcoin đạt mức 2.000 USD lần đầu tiên vào tháng 5/2017, đồng tiền kỹ thuật số này chỉ cần chưa đầy 100 ngày để tăng thêm 1.000 USD nữa. Từ 4.000 USD - 5.000 USD, thời gian tăng giá của Bitcoin lại rút ngắn hơn, chỉ mất khoảng 60 ngày.
Khoảng thời gian biến động rớt giá của Bitcoin về 3.000 USD hồi tháng 9 do các thay đổi chính sách quản lý tiền ảo tại Trung Quốc cũng không làm khó được đồng tiền này khi chỉ hơn 3 tuần sau (đầu tháng 10) Bitcoin đã quay đầu tăng trở lại và phá mốc cũ, chạm 6.000 USD hồi cuối tháng 10. Từ thời điểm này, mỗi mức Bitcoin tăng 1.000 USD và khoảng thời gian tăng giá giữa hai mốc lại càng ngắn hơn.
Tâm lý thị trường càng căng thẳng khi Bitcoin từ mốc 9.000 USD đã phá tung ngưỡng 10.000 USD chỉ trong vòng hai ngày.
Quả "bong bóng" Bitcoin có căng hay không khó thể đoán được. Quả bóng này khi nào nổ, cũng không ai dám chắc chắn bởi Bitcoin chưa được công nhận là hàng hoá như cổ phiếu, vàng, bất động sản. Bitcoin cũng không được giao dịch điều tiết bởi hệ thống ngân hàng Trung ương các nước hay một tổ chức hợp nhất quốc tế nào mà chỉ là một loại tiền kỹ thuật số đang bị thả trôi theo cung - cầu của thị trường tự do dựa trên tâm lý của người chơi.
Chuyên gia nói gì về giá trị của đồng Bitcoin
Ông David Shrier, CEO của Distilled Analytics - cho biết: "Bitcoin sẽ không thể nào bị xoá sổ được, kể cả là "bong bóng" tiền ảo có vỡ đi chăng nữa. Ví dụ như hồi bong bóng dotcom nổ, trang Amazon cũng không phá sản. Bitcoin sẽ vẫn giữ được một giá trị nhất định nào đó nhưng tôi tin một số các đồng tiền ảo khác sẽ thất bại".
Ông Michael Novogratz - Cựu Giám đốc quỹ Fortress - cho biết: "Điểm khác biệt giữa những loại tiền ảo này so với những hàng hoá khác là nguồn cung giới hạn. Đây quả là điều các nhà đầu cơ luôn ao ước bởi cầu tăng mạnh mà nguồn cung lại giới hạn. Vì vậy, bất kỳ khi nào giá tăng đều bị khuyếch đại lên rất nhiều lần, thậm chí là 50%".
Ông Charles Hayter - CEO của trang web CryptoCompare - cho biết: "Yếu tố lớn nhất tác động tới giá trị của Bitcoin là quy định pháp lý của các quốc gia. Việc Nhật Bản nới lỏng quy định về Bitcoin đã thổi sức sống vào đồng tiền ảo".
Ông James Hughes - nhà phân tích thị trường của Axitrader - cho biết: "Việc "bong bóng" tiền ảo vỡ bất kì lúc nào hoàn toàn là một khả năng có thể xảy ra. Không ai dám chắc là nó sẽ không thể vỡ. Bitcoin khác hẳn với các kênh đầu tư khác là nó rất ngẫu nhiên và khó đoán, hầu như không có một công thức nào để dự đoán giá trị của nó".
Các ngân hàng Trung ương nói gì về đồng Bitcoin
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tỏ ra hoài nghi nhất về tính khả thi của đồng tiền ảo. ECB đã liên tục cảnh báo về giá trị bất ổn của đồng Bitcoin và những đường dây liên kết với tội phạm trốn thuế, rửa tiền. ECB khẳng định đồng Bitcoin sẽ không làm ảnh hưởng tới sự kiểm soát tiền tệ của ECB.
Đối lập với sự e dè của ECB, Chính phủ Trung Quốc tự tin rằng Ngân hàng Trung ương nước này đã thiết lập được sự kiểm soát toàn diện đối với đồng tiền ảo. Trung Quốc nói rằng đồng tiền ảo giúp cho việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn và đây sẽ là hướng đi tiền tệ trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian qua nước này cũng đã cấm giao dịch đối với một loạt sàn và cá nhân giao dịch tiền ảo.
Tại Đức - quốc gia đa số người dân vẫn lựa chọn thanh toán tiền mặt - Ngân hang Trung ương Bundesbank tỏ ra thận trọng đối với sự ra đời của đồng Bitcoin. Ngân hàng này tuyên bố Bitcoin hiện thời đang trong thời gian thử nghiệm và quan sát.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, hay Hàn Quốc cũng đều tỏ ra e dè và quan sát đối với tiền ảo. Những ngân hàng này cho rằng ưu tiên số một là bảo mật thông tin của người giao dịch - lĩnh vực mà đồng tiền ảo mang theo nhiều rủi ro nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!