Bức tranh kết quả kinh doanh doanh nghiệp niêm yết nửa đầu năm 2021

VTV Digital-Thứ tư, ngày 21/07/2021 06:07 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành có được mức tăng trưởng tốt trong năm 2021.

Sau phiên sụt giảm tới gần 56 điểm, chỉ số chính đã tăng ngược lại gần 30 điểm và đóng trên mức 1.270 điểm cùng sự hỗ trợ của các cổ phiếu vốn hóa lớn tại đa ngành. Dù vậy thanh khoản vẫn thấp ở mức gần 17.900 tỷ đồng và khối ngoại ngày 20/7 bán ròng 325 tỷ đồng trên HOSE. Những thông tin tích cực về bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 và bán niên 2021 được công bố cũng phần nào là động lực để VN-INDEX tìm lại sắc xanh trong phiên 20/7.

Ngày 20/7, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính có lợi nhuận trước thuế tăng đến 90% của SSI, HCM hay như VNDirect còn có lợi nhuận gấp 5 lần cùng kỳ 2020.

Nhóm ngân hàng như VPBank ngày 20/7 cũng công bố các con số lợi nhuận trước thuế là 9.000 tỷ đồng, các ngân hàng khác cũng đều có mức lợi nhuận tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh kết quả kinh doanh doanh nghiệp niêm yết nửa đầu năm 2021 - Ảnh 1.

Về nợ xấu, hiện các ngân hàng đều tăng cường trích lập tỷ lệ nợ xấu bao phủ, có ngân hàng là 280%, có ngân hàng lên đến 370%, tức là có 1 đồng nợ xấu thì trích lập lên đến cả hơn 3 đồng. Như vậy, dù trong trường hợp nợ xấu đó có mất đi thì tiền đã trích lập thừa. Nếu trích lập thấp đi, lợi nhuận có lẽ còn cao hơn.

Và quan trọng hơn nữa, nhiều ngân hàng đều tuân thủ Basel 2 hướng tới Basel 3 nên hệ số CAR đều ở ngưỡng cao trên 12%, cao hơn tỷ lệ yêu cầu là 8%. Vì lẽ đó việc nhiều ngân hàng vừa qua như VPBAnk, MBBank, SacomBank… đều được nới room tín dụng thêm khoảng 20- 50%.

Doanh nghiệp phân bón doanh thu tăng ấn tượng

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực rủi ro là thấp, như chứng khoán chỉ là 3%, thay vào đó là vào lĩnh vực ưu tiên và điều này giúp tình hình sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp khởi sắc. Cùng với thép, cao su, dầu, phân bón cũng là mặt hàng tăng giá khá ấn tượng trong nửa năm qua. Cụ thể, theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bức tranh kết quả kinh doanh doanh nghiệp niêm yết nửa đầu năm 2021 - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nơi có 11 đơn vị sản xuất phân bón, lần đầu tiên ghi nhận doanh thu tăng tới 41% trong 5 năm qua. Nhưng theo họ, doanh thu nhiều không hẳn lợi nhuận cũng tăng theo vì giá nguyên liệu đầu vào của ngành phân bón cũng chứng kiến mức tăng khá mạnh trong khoảng từ 40 đến 50%, cá biệt có loại tăng tới 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam – cho biết: "Hầu hết doanh nghiệp sản xuất phân bón mua đuổi bán đuổi, không có hiện tượng đầu cơ nên thì không phải có chuyện tăng đột biến".

Theo dự báo của các doanh nghiệp, hiện giá phân bón của thế giới đang ở mức ổn định, nếu giá nguyên liệu của thế giới không tăng thì giá phân bón trong nước sẽ ổn định trong những tháng cuối năm.

Cổ phiếu BĐS khu công nghiệp dự báo sẽ không có biến động mạnh nửa cuối năm

Quỹ đất lớn, giá cho thuê ghi nhận tích cực là các yếu tố hỗ trợ giúp nhóm cổ phiếu khu công nghiệp tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm qua từ 20 đến 80%, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều đất ở các tỉnh thành như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến cho nhiều hoạt động chững lại.

Bức tranh kết quả kinh doanh doanh nghiệp niêm yết nửa đầu năm 2021 - Ảnh 3.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. (Ảnh: TTXVN)

Anh Bùi Huy Hoàng - Chuyên viên phân tích mảng bất động sản, CTCK Rồng Việt, nhận định: "Giá tăng nhưng diện tích cho thuê khó mà tăng được bởi hiện tại do dịch ảnh hưởng đến khá nhiều nên việc nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài. Điều này dẫn đến những khó khăn để các chuyên gia nước ngoài khảo sát những vùng đất cũng như những yếu tố mà họ cần xem xét cho dự án của mình. Do đó, chắc chắn là tiến độ cho thuê cũng như đi thuê của hai bên sẽ bị chậm lại".

Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch, xu hướng mua bán và sáp nhập của phân khúc bất động sản KCN dự báo sẽ khá sôi động.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Colliers Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vốn mạnh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó vì COVID-19, các thương vụ M&A sẽ giúp họ giải quyết bài toán về vốn và mở rộng quỹ đất một cách nhanh chóng.

Cuộc "chạy đua" mở rộng quỹ đất công nghiệp cũng tiếp diễn mạnh mẽ nhằm đáp ứng thêm nguồn cung. Có thể lạc quan về nguồn cung trong thời gian tới khi mà hàng chục dự án công nghiệp vừa được phê duyệt tại hàng loạt địa phương mới đây, trong đó, ở phía Bắc, nổi bật là Bắc Ninh với 5 khu công nghiệp mới trong khi ở phía Nam, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu số lượng với 3 khu công nghiệp mới.

Theo các thành viên thị trường, dịch bệnh vẫn ảnh hưởng lớn đến kết qủa sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù với kịch bản nào, vẫn có những nhóm ngành có được mức tăng trưởng tốt trong năm 2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước