Bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2021: Phục hồi giữa khó khăn

VTV Digital-Thứ ba, ngày 11/05/2021 06:08 GMT+7

VTV.vn - Quý 1/2020 hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết lao dốc do COVID-19. Sau 1 năm, COVID-19 chưa qua đi nhưng nhiều doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ.

Theo thống kê mới nhất, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết không tính nhóm ngân hàng đạt tới 94% so với cùng kỳ năm 2020. Con số tăng ấn tượng như vậy cũng phần nào dựa trên nền quý 1/2020 khá thấp do sự bùng phát của COVID-19 đầu năm ngoái, tuy nhiên vẫn còn đó những nhóm ngành ghi nhận sự tăng trưởng thần kỳ. Quý I năm nay còn ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận so với quý 1/2019.

Những nhóm hàng dẫn đầu về tăng trưởng quý I/2021 đó là nhóm dịch vụ tài chính hay chứng khoán với mức tăng 955,8%, năm ngoái, nhóm này ghi nhận 458 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thì năm nay đã tăng gấp 10 lần. Dầu khí và hóa chất cũng là những cái tên đáng chú ý với tăng trưởng đều ở mức 3 con số hay gần đây, giá thép "phi mã" thì nhóm vật liệu xây dựng cũng đã hưởng lợi và có kết quả kinh doanh quý tăng trưởng lên tới 184%.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2021: Phục hồi giữa khó khăn - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: Dân trí

Khi nền kinh tế phục hồi trở lại tạo ra nhu cầu nguyên liệu tăng cao trong khi nguồn cung còn bị bó hẹp do ảnh hưởng từ dịch bệnh đã tạo ra siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa 10 năm có một trên thế giới. Như vậy, đây là cơ hội rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên, cái gì ít xảy ra thì thường là cũng không bền vững.

Tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2020: Nhiều điểm chưa bền vững

Từ đầu năm, giá thép đã tăng 40%, lợi nhuận/tấn sản phẩm thép đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Sự cải thiện trong biên lợi nhuận đã khiến các doanh nghiệp trong ngành có tăng trưởng kết quả kinh doanh bằng lần tuy nhiên doanh nghiệp xây dựng lại khốn đốn dẫn đến tình trạng đình trệ hoạt động.

Bà Đỗ Hồng Vân, chuyên viên Phân tích Tài chính, Khối Dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup, cho biết: "Biên lợi nhuận cải thiện thì thường không bền vững vì nó đến từ tăng giá bán, như thép chả hạn, tăng giá bán thì không thể nào tăng quá được lâu dài vì nó ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế".

Bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2021: Phục hồi giữa khó khăn - Ảnh 2.

Từ đầu năm, giá thép đã tăng 40%, lợi nhuận/tấn sản phẩm thép đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong bức tranh tăng trưởng chung, có thể thấy lợi nhuận tăng rất mạnh nhưng doanh thu không tăng mấy cho thấy đa phần doanh nghiệp khó mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí có phần "thắt lưng buộc bụng".

Ngân hàng tập trung quản trị rủi ro nợ vay

Dù COVID-19 diễn ra nhưng ngành ngân hàng tuyệt nhiên không có quý nào tăng trưởng âm, có ảnh hưởng cũng rất nhẹ và quý 1/2021 còn tăng trưởng đến khoảng 80% và đóng góp 36 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn bộ khối doanh nghiệp niêm yết.

Theo các chuyên gia, có thể nói Thông tư 01 về giãn hoãn nợ đã cứu tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng rất nhiều. Tuy có thể thấy là tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 ở mức 1,4%, không đổi so với thời điểm cuối năm 2020, nhưng nợ cần chú ý (SMLs) tăng 16% sau khi liên tục giảm trong 3 quý trước đó. Ngoài ra, từ ngày 17/5 tới, các ngân hàng sẽ phải trích lập thêm cho các khoản nợ được cơ cấu, theo thông tư 03, sửa đổi thông tư 01.

Theo quy định mới, các ngân hàng sẽ phải trích lập ít nhất 30% trong năm nay. Đại diện nhiều ngân hàng cho biết, khoản dự phòng này đã được ngân hàng tính toán trong kế hoạch.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2021: Phục hồi giữa khó khăn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết: "Theo quy định, toàn bộ lãi của khách hàng cơ cấu không được ghi dự thu thì ngân hàng phải sụt giảm lợi nhuận phần đó. Nếu trích lập thêm 30% năm nay thì ngân hàng đã dự trù trong kế hoạch tài chính nên không ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng".

Thay vì phải trích lập ngay 100%, NHNN đã cho phép giãn thời gian trích lập dần trong 3 năm, đối với các khoản nợ được cơ cấu. Điều này cũng giúp các ngân hàng giảm áp lực tài chính.

Khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ cho vay sẽ tăng khoảng 5,09% trong quý 2 này và tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho biết: "Nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên, tín dụng có thể tăng 12 -14% nếu NHNN cho phép, bắt đầu từ quý 2 sẽ tốt hơn vì nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ tăng trở lại khi kiểm soát dịch bệnh và chu kỳ sản xuất kinh doanh trong quý 2 tốt hơn".

Thu thuần từ hoạt động tín dụng có thể gia tăng nhờ nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng. Vì vậy, các ngân hàng vẫn cần ưu tiên dự phòng, quản trị rủi ro các khoản vay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước