Trong vòng 2 tháng trở lại đây, đã có thêm 2 đơn vị đặt phòng trực tuyến của quốc tế chính thức hoạt động tại Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng 450% cho thấy đây là mảnh đất màu mỡ với không chỉ các doanh nghiệp trong nước. Công nghệ bùng nổ khiến cho những mô hình truyền thống cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi.
Trước đây, vào mùa thấp điểm, khách sạn của chị Trang (Hà Nội) chỉ có hiệu suất lấp đầy khoảng 15 - 20%, giá phòng dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Kể từ khi đưa khách sạn lên những nền tảng đặt phòng trực tuyến, công suất đã tăng lên mức hơn 70%.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% so với trước đó và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới. Quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Theo thống kê của AirDNA, thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam đang tăng trưởng nóng với tốc độ 450% về số lượng nguồn cung chỗ ở trong 1 năm qua, lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140/%. Miếng bánh bị bỏ ngỏ đang bùng nổ khiến các doanh nghiệp trong nước cũng không thể đứng ngoài cuộc đua.
Những cái tên nổi bật trên thị trường đặt phòng trực tuyến như: Booking.com, Agoda, Airbnb, Luxstay…; 2 nền tảng đặt phòng khác là RedDoorz (Singapore) và OYO (Ấn Độ) cũng mới chào sân tại thị trường Việt Nam, báo hiệu một cuộc đua dài hơi trên thị trường trị giá 2 tỷ USD vào năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!