"Dù tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với GDP đã giảm xuống còn 61,4%, nhưng do điều kiện vay kể từ đầu năm tới sẽ thay đổi nên chúng ta phải tính toán chặt chẽ hơn khi vay nợ". Đây là nội dung chính trong Hội thảo xây dựng khung cải cách về quản lý nợ công, quản lý rủi ro và quản lý nợ trung hạn 2019-2021 hướng tới 2025 do Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác kinh tế liên bang Thụy Sĩ tổ chức tại Quảng Ninh.
Từ đầu năm 2019, Việt Nam sẽ không được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á. Trước đó, chúng ta cũng đã không còn nguồn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới. Giờ sẽ chỉ còn các khoản vay với điều kiện thị trường, lãi suất thả nổi, thời hạn vay không dài như trước khiến áp lực nợ công sẽ ngày càng cao.
Vay thị trường thì mỗi nhà tài trợ, mỗi khoản vay, mỗi hình thức vay sẽ có các điều kiện khác nhau, nên ngay từ khâu đàm phán đã phải kiểm soát chặt chẽ. Trước đây, quyết định vay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, còn nay phải áp dụng mô hình phân tích với gần trăm thông số đầu vào mới ra được sự lựa chọn hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!