Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra vào sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tên của các bộ, các cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp, yêu cầu lãnh đạo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay.
Sau hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trung tuần tháng 7 vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng và sau 7 đoàn kiểm tra của lãnh đạo Chính phủ và một số bộ tới một số dự án trọng điểm, vùng kinh tế, tỷ lệ giải ngân trung bình trong cả nước đã đạt gần 41%, tăng 6% so với cuối tháng 6, trong đó, có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%, như: Hưng Yên giải ngân đạt hơn 91%, Nghệ An 75%, Ninh Bình 73%, Liên minh Hợp tác xã 100%, Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 99%. Nhiều địa phương chỉ đạt 20% - 30% trong tháng 5, 6 nhưng đến hết tháng này đạt 60%. Tuy nhiên, vẫn còn, 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35%, trong đó 15 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất chậm mới chỉ đạt dưới 15%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Theo lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân của của việc giải ngân chậm là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương chưa sát thực tế. Đặc biệt, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn vướng mắc về đơn giá và phương án đền bù. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tới 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch cả Trung ương và địa phương chưa được giao cho các chương trình, dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện đã có 9 bộ và 9 địa phương xin trả lại hơn 6.300 tỷ đồng vốn kế hoạch để Chính phủ điều chuyển cho các địa phương có nhu cầu, đồng thời đang có 7 bộ và 31 địa phương xin bổ sung thêm 13 nghìn tỷ đồng cho các chương trình, dự án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, chỉ trong 2 tháng qua, nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện các cách làm mới, quyết tâm mới, cũng như nêu cao vai trò của hệ thống chính trị, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên giao ban, đôn đốc, chuyển vốn, chuyển chủ đầu tư, hoặc nhà thầu làm chậm không được tham gia đấu thầu công trình và không tham gia làm chủ đầu tư các công trình tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, đặc biệt là các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm. Hàng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, từng cơ quan Trung ương và địa phương trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các phương tiện thông tin đại chúng.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng nhấn mạnh, trong hơn 20 tuần tới, cả nước phải nỗ lực giải ngân được nốt 350.000 tỷ đồng, trong hơn 630.000 tỷ tổng vốn đầu tư công của năm nay. Bởi đây là việc làm, là thu nhập của rất nhiều lao động, là động lực cho phục hồi kinh tế, vì số vốn này nếu được giải ngân hết sẽ đóng góp gần 1% tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước.
Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn ODA. Vì hiện nay, nhiều dự án không thể thực hiện được do thiếu vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng, có địa phương và bộ ngành xin trả lại vốn, không thực hiện dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!