Hồ thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: Báo Tin tức)
Các hồ thủy điện ở miền Bắc thoát khỏi mực nước chết nhờ lưu lượng nước ở thượng nguồn đổ về tăng đáng kể. Trong khi nhiều nhà máy thủy điện vẫn tiếp tục tiết giảm lượng nước xả về hạ du để tranh thủ tích cho đợt nắng nóng sắp tới.
Những công trình lớn, như thủy điện Sơn La cũng đã vượt mực nước chết gần 3 m, thủy điện Lai Châu vượt gần 12 m, thủy điện Bản Chát vượt 5 m. Tuy nhiên hiện tại, chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình tích cực xả nước để đảm bảo nhiệm vụ đa mục tiêu.
Tính đến 17h ngày 16/6, lưu lượng nước về hồ Tuyên Quang đạt 268,33 m3/s; hồ Sơn La đạt 352 m3/s; hồ Huội Quảng đạt 87,7 m3/s; hồ Hòa Bình đạt 520 m3/s, hồ Bản Chát đạt 218,7 m3/s; hồ Lai Châu đạt 277 m3/s.
Đây là thông tin tích cực, tuy nhiên với dự báo sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài đến tháng 9 và khắc nghiệt hơn so với năm 2022, người dân cần duy trì thói quen tiết kiệm điện, cùng nhau chia sẻ nguồn điện trong cao điểm nắng nóng.
Thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện than luôn phải chạy liên tục với công suất lớn nhất nên đã dần xuất hiện nhiều sự cố kỹ thuật khiến suy giảm công suất tổ máy và sự cố ngắn ngày.
Công suất đỉnh miền Bắc ngày 15/6/2023 đạt 17.893 MW, trong đó công suất đỉnh của thủy điện là 3.590 MW.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng điện, trong đó triển khai chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm điện; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện mới cho hệ thống; tập trung khắc phục các sự cố nguồn điện...
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, dù lưu lượng nước về các hồ thủy điện phía Bắc có phần cải thiện, các hồ đã trên mực nước chết nhưng cần hạn chế huy động các nhà máy thủy điện lớn đa mục tiêu (trừ nhà máy thủy điện Hòa Bình) để dự phòng các ngày nắng nóng sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!