Các liên minh và cuộc đua kiểm soát khoáng sản quan trọng

VTV Digital-Thứ năm, ngày 13/07/2023 11:18 GMT+7

VTV.vn - Cuộc cạnh tranh khoáng sản quan trọng càng nóng khi Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu với 2 kim loại đặc biệt quan trọng trong sản xuất con chip hiệu suất cao.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới cung cấp khoáng sản quý

Kể từ ngày 1/8 tới, Trung Quốc - quốc gia cung cấp 80% sản lượng Gallium và Germanium - những thành phần vô cùng quan trọng trong sản xuất chip và pin năng lượng mặt trời sẽ áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu các mặt hàng này.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhập khẩu các kim loại quý như cobalt, than chì, lithium, nickel, đất hiếm và nhiều hợp chất khác… không phải là câu chuyện mới. Song lệnh cấm tôi được biết là đang gây ra nhiều quan ngại với thế giới.

Trên thực tế, Trung Quốc là nước có vai trò rất lớn trong chuỗi cung ứng khoáng sản khi đang cung cấp gần 90% lượng đất hiếm đã qua xử lý và là một trong những nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới. Do vậy, thị trường rất lo lắng bởi nếu nước này mà mở rộng các khoáng sản hạn chế xuất thì giá thành sẽ tăng gấp nhiều lần.

Cuộc đua kiểm soát nguồn khoáng sản quan trọng vì thế đang trở thành mặt trận kinh tế mới mà nhiều quốc gia lớn phải gia nhập. Nếu như trong thập niên 1970, nền kinh tế thế giới từng chao đảo khi dầu mỏ bị các ông hoàng Arab coi như một loại "vũ khí" để giành lợi thế thì giờ đây, nhiều quốc gia lại đang có mối lo tương tự khi Trung Quốc nắm giữ vị thế độc tôn trong việc cung cấp và chế biến các khoáng sản quan trọng.

Các liên minh và cuộc đua kiểm soát khoáng sản quan trọng - Ảnh 1.

Trung Quốc là nước có vai trò rất lớn trong chuỗi cung ứng khoáng sản khi đang cung cấp gần 90% lượng đất hiếm đã qua xử lý. Ảnh min hhoaj - Ảnh: Global Times

Có thể thấy trong bối cảnh phương Tây siết các biện pháp xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, việc nắm giữ lợi thế về sở hữu các khoáng sản quan trọng đang giúp Bắc Kinh có một công cụ đáp trả rất lợi hại.

Vị thế dẫn đầu trong chuỗi cung ứng kim loại, hợp chất quý đang hỗ trợ Trung Quốc rất nhiều. Song lợi thế này có được không phải một sớm một chiều. Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược với khoảng sản rất sớm, từ những năm 1990 và từng bước đưa nước này trở thành nhân tố không thể bỏ qua trong chuỗi giá trị công nghiệp.

Sự đổ bộ của vonfram và đất hiếm giá rẻ của Trung Quốc đã làm ngập thị trường thế giới, khiến hàng loạt mỏ tại phương Tây buộc phải đóng cửa. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng chi rất nhiều tiền để sở hữu các mỏ khoáng sản khác bên ngoài lãnh thổ.

Hình thành các liên minh khoáng sản mới

Khi các nền kinh tế lớn đầu tàu nhận thấy sự dễ bị tổn thương của mình, trong khi các loại khoáng sản lại là thứ không thể thiếu đối với tương lai năng lượng sạch thì cuộc đua sở hữu, kiểm soát những loại khoáng sản này đang ngày càng nóng. Hiện Mỹ Latin, châu Phi và châu Á đang là những khu vực quan trọng mà các quốc gia phát triển hướng tới thiết lập các liên minh nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản.

Cuối tháng 3/2023, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Canada tuyên bố thiết lập một chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng mạnh mẽ và kiên cường ở Bắc Mỹ để đảm bảo, phát triển việc khai thác, chế biến, chế tạo và tái chế các khoáng sản quan trọng ở hai nước, từ đó thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, xe điện, chất bán dẫn, hàng không vũ trụ…

Năm 2022, Quốc hội Mỹ đã quyết định cung cấp cho các công ty của Mỹ và Canada khoản tài trợ 250 triệu USD để khai thác, chế biến khoáng sản quan trọng cho ngành công nghiệp xe điện, pin.

Ngày 14/6/2023, EU đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Chile - top 3 nước sở hữu lithium lớn nhất thế giới, chiếm 36% trữ lượng toàn cầu. Dự kiến một biên bản ghi nhớ sẽ sớm được 2 bên ký kết nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng khoán sản.

Hai quốc gia khác thuộc tam giác lithium ở châu Mỹ Latinh là Argentina và Chile cũng vừa ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với Liên minh châu Âu trong việc thúc đẩy khai thác lithium.

Cuối tháng 6, Trung Quốc, Nga và Bolivia - quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới đã có cái bắt tay lịch sử khai thác khoáng sản.

Tập đoàn Rosatom (Nga) và Citic Guoan (Trung Quốc) công bố đầu tư 1,4 tỷ USD để xây dựng các nhà máy xử lý chiết xuất lithium tại Bolivia.

Mới đây nhất, ngày 4/7, hai cường quốc khai khoáng là Australia và Indonesia đã ký một thỏa thuận phát triển pin xe điện được giới phân tích đánh giá là thỏa thuận "đôi bên cùng có lợi". Australia là nhà cung cấp lithium lớn nhất thế giới, trong khi Indonesia có trữ lượng nickel lớn nhất. Cả hai kim loại này đều là thành phần chính trong sản xuất pin xe điện.

Nhật Bản và cuộc chiến khoáng sản quan trọng

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản cũng đang khiến nhiều quốc gia khác lo lắng và phải tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế để tránh nguy cơ phụ thuộc.

Tại các diễn đàn đa phương như nhóm bộ tứ QUAD bao gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản cho biết đang soạn thảo việc hình thành những chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng mới.

Với Nhật Bản, mối đe dọa đã trở nên rõ ràng vào năm 2010, khi Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang nước này, để trả đũa những tranh chấp lãnh thổ. Do vậy năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã đưa công nghiệp khoáng sản quan trọng vào danh sách 11 lĩnh vực chiến lược xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ.

Các liên minh và cuộc đua kiểm soát khoáng sản quan trọng - Ảnh 2.

"Cuộc chiến khoáng sản" - đây là cụm từ được báo chí Nhật Bản nhắc đến nhiều sau khi Trung Quốc quyết định sẽ hạn chế xuất khẩu một số kim loại hiếm là nguyên liệu của chất bán dẫn.

Hãng Thông tấn Jiji cho biết, biện pháp kiểm soát được Trung Quốc đưa ra đầu tháng 7. Theo đó sẽ hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản như Galium và Germanium - những kim loại được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn. Việc hạn chế sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 8 tới. Trung Quốc cho biết động thái này là nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Nomura, quyết định này là một đòn giáng mạnh vào Nhật Bản - quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với các khoáng sản gali và germani. Đây cũng là lời nhắc đối với Nhật Bản về động thái của Trung Quốc năm 2010, khi nước này hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, buộc Nhật Bản phải tìm kiếm đất hiếm từ Australia và một số nước khác.

Trước khi Trung Quốc đưa ra quyết định, Nhật Bản đã có những biện pháp đa dạng hóa nguồn cung, biện pháp để phòng bị với chính sách hạn chế khoáng sản của nước láng giềng.

Báo Mainichi cho biết, trong Hội nghị Bộ trưởng thương mại G7 hồi tháng 4, Nhật Bản đã cùng các thành viên G7 thúc đẩy hợp tác xây dựng mạng lưới cung ứng các khoáng sản quan trọng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo đó, Nhật Bản đã cùng các thành viên G7 thành lập một quỹ chung trị giá 13 tỷ USD để hỗ trợ phát triển khai thác các mỏ khoáng sản và các dự án liên quan.

Các liên minh và cuộc đua kiểm soát khoáng sản quan trọng - Ảnh 3.

Nhật Bản cũng có chính sách riêng để đảm bảo ổn định nguồn cung khoáng sản. Thông tin trên báo Nikkei cho biết, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ trợ cấp 50% cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản quan trọng, đảm bảo các nguyên liệu thô như pin lithium và đất hiếm không bị thiếu hụt. Quỹ đầu tư trị giá 750 triệu USD cũng được thành lập hỗ trợ cho hoạt động này.

Bên cạnh hỗ trợ tài chính, trên cơ sở Luật An ninh kinh tế ban hành tháng 5/2022, Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ kỹ thuật và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng - 1 trong 11 lĩnh vực chiến lược, ưu tiên nhận trợ cấp từ Chính phủ.

Hiện nay theo nhiều chuyên gia, Bắc Kinh sẽ không đi xa hơn với một lệnh hạn chế xuất khẩu hay coi việc xuất khẩu đất hiếm đã qua xử lý là một vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Bởi lẽ nước này sẽ không muốn khiến thị trường thế giới xáo trộn, đẩy giá đất hiếm lên cao khiến cho xe điện cùng các sản công nghệ khác của Trung Quốc bị nâng giá bán, khó cạnh tranh khi xuất khẩu.

Các chuyên gia cũng dự báo các liên minh hợp tác khai thác khoáng sản quan trọng sẽ là những cặp quan hệ mới trong bức tranh địa kinh tế hiện nay. Trước đây là dầu mỏ, Dữ liệu lớn (Big Data), giờ có lẽ ai sở hữu hay kiểm soát khoáng sản quý sẽ có lợi thế hơn trên những bàn đàm phán toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước