Trước khi tham dự cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg ngày 7/6 cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với rủi ro chính trị và chiến lược lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Frydenberg cho biết cuộc họp diễn ra trong bối cảnh môi trường toàn cầu có lẽ đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với sự gia tăng các đối thủ chiến lược, các tổ chức đa quốc gia đang bị thách thức, cùng biến động không ngừng tăng trong đó có việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit), cũng như những thay đổi về đối thủ cạnh tranh quyền lực với trung tâm quyền lực kinh tế đang chuyển sang châu Á.
Ông cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tình hình chiến lược đang thay đổi đã gây ra những rủi ro sâu sắc cho nền kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới.
Bộ trưởng Ngân khố Australia cảnh báo các mức thuế quan mới có thể khiến thương mại toàn cầu giảm từ 2 - 4%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã hạ dự báo triển vọng kinh tế và nhận định các rủi ro kinh tế đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.
Vì vậy, Australia mong muốn các tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ được giải quyết một cách thân thiện, vì căng thẳng thương mại gia tăng không chỉ đè nặng lên triển vọng kinh tế toàn cầu mà còn gây rủi ro cho triển vọng kinh tế và mức sống của Australia, do Mỹ là đối tác đầu tư lớn nhất và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Theo ông Frydenberg, điều Australia cần làm lúc này là tăng cường quan hệ đối tác song phương để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!