Động thái này có thể đoán định được, khi nhiều ngân hàng đang thừa tiền do nguồn tiền cho trái phiếu Chính phủ đã được đáp ứng 100% từ giữa tháng 9. Vấn đề được các doanh nghiệp và người dân quan tâm vào lúc này là việc hạ lãi suất huy động của các ngân hàng lớn có phải là cơ sở để lãi suất cho vay hạ theo hay không? Các Ngân hàng thương mại cổ phần có hưởng ứng để cùng điều chỉnh hạ lãi suất hay không?
Cách đây 2 ngày, lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng Nông nghiệp, Ngoại thương, Đầu tư và Công thương bất ngờ hạ từ 0,3-05% ở các kỳ hạn dưới 1 năm. Đây là đợt giảm lãi suất mạnh nhất trong năm nay. Nguyên nhân được cho là lượng tiền tại các ngân hàng đang dư thừa.
Các nhu cầu lớn về vốn đã hoàn tất như 250.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đã được các ngân hàng đáp ứng xong từ giữa tháng 9. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trung tuần tháng 9 cũng giảm sâu kỷ lục, chỉ còn 0,25%/năm.
Dư tiền, lãi suất phải hạ cũng là xu hướng tất yếu. Khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay về lý thuyết sẽ giảm theo. Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng điều này để giảm thiểu chi phí cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Tuy các ngân hàng thương mại Nhà nước đã hạ lãi suất huy động nhưng hiện vẫn chưa thấy ngân hàng thương mại cổ phần nào hưởng ứng theo. Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngại, khó thể có một làn sóng giảm lãi suất trên diện rộng khi trên thị trường hiện vẫn có một số ngân hàng cổ phần đang triển khai chương trình khuyến mãi huy động với lãi suất tiền gửi thậm chí còn nhích lên.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!