Ảnh minh họa.
Trong quý II vừa qua, chỉ riêng 5 tập đoàn dầu khí hàng đầu là Shell và BP của Anh, Exxon Mobil và Chevron của Mỹ, Total Energies của Pháp đã thu về hơn 59 tỷ USD lợi nhuận. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của cả 5 công ty đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng, cao gấp 2,5 đến gần 4 lần.
Kết quả trên chắc chắn sẽ khiến các công ty dầu khí cảm thấy rất hài lòng, khi mà giai đoạn chật vật vì nhu cầu năng lượng giảm mạnh trong đại dịch đã qua. Các cổ đông của họ cũng đang hưởng lợi lớn khi giá cổ phiếu và cổ tức đều tăng cao.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến các tập đoàn dầu khí phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng, thậm chí là cả các nỗ lực đánh thuế, nhằm vào các khoản lợi nhuận khổng lồ của họ.
Ngày 3/8, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng chỉ trích việc các tập đoàn dầu khí thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ cuộc khủng hoảng năng lượng, đồng thời kêu gọi cần tăng thuế với các công ty này.
Ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết: "Tổng lợi nhuận của các công ty năng lượng lớn nhất trong quý đầu năm nay đã đạt gần 100 tỷ USD. Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ đánh thuế những khoản lợi nhuận quá mức này và sử dụng số tiền đó để hỗ trợ người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay".
Trước đó, hồi tháng 6, giữa lúc người dân Mỹ đang khốn đốn vì giá xăng tăng cao, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra những chỉ trích nhằm vào những tập đoàn dầu mỏ lớn.
"Các công ty có 9.000 giấy cấp phép khai thác dầu nhưng lại không khai thác thêm. Vì sao vậy? Bởi vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn mà không cần tăng sản lượng. Đầu tiên là giá đang tăng lên. Lý do thứ hai là họ đang bận mua lại cổ phiếu của chính mình và không thực hiện khoản đầu tư mới nào", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.
Không chỉ dừng lại ở chỉ trích, nhiều quốc gia đã bắt đầu hành động. Hồi tháng 5, Vương quốc Anh đã công bố mức thuế 25% đối với lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu khí. Các ý tưởng tương tự cũng được đề xuất tại Mỹ, Italy và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại tỏ ra thận trọng hơn. Quốc hội Pháp mới đây đã bác bỏ ý tưởng đánh thuế siêu lợi nhuận đặc biệt của các công ty, trong đó có dầu khí. Thay vào đó, chính phủ hài lòng với việc tập đoàn năng lượng Total Energies giảm giá bán lẻ xăng cho người dân. Tại Đức, Bộ Tài chính cũng liên tục bác bỏ đề xuất tăng thuế.
Ông Christian Lindner - Bộ trưởng Tài chính Đức cho hay: "Điều tôi lo ngại là việc tăng thuế một cách vội vã cuối cùng sẽ dẫn đến việc lạm phát trở nên trầm trọng hơn và thậm chí có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung do đầu tư giảm sút".
Trước sức ép ngày càng gia tăng, các công ty năng lượng lớn đang đề xuất một giải pháp khác thay cho việc tăng thuế đó là đầu tư nhiều hơn vào năng lượng xanh. BP đã cam kết đầu tư vào năng lượng gió và xe điện, ngay sau khi công bố lợi nhuận quý II, trong khi Shell cũng dự kiến đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào các giải pháp năng lượng bền vững trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!