Cách nào để chống thất thu thuế với thương mại xuyên biên giới?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 30/05/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù có doanh thu khủng nhưng hầu như doanh nghiệp ngoại không phải nộp thuế, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh với doanh nghiệp nội.

Năm 2018, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng 550 triệu USD. 70% trong số này đang trong tay các DN ngoại.

Quản lý thuế đối với các giao dịch thương mại xuyên biên giới hiện là vấn đề đau đầu với các cơ quan quản lý của Việt Nam. Đó là lý do khiến một loạt các sửa đổi theo hướng chống thất thu thuế với các giao dịch thương mại xuyên biên giới đã được đề xuất trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi trình Quốc hội kỳ họp thứ 7.

* Bất bình đẳng chính sách thuế giữa DN OTT nội và ngoại

Giao dịch thương mại xuyên biên giới tạm được hiểu là các giao dịch thương mại giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với các tổ chức cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Các giao dịch này đang được chia làm 2 nhóm chính. Nhóm 1 bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc nền tảng nội dung, quảng cáo như Google, YouTube, Netflix. Nhóm 2 bao gồm các doanh nghiệp cung cấp nền tảng thương mại điện tử như Facebook, Amazon.

Cả 2 nhóm DN ngoại này hầu như không bị kiểm soát về nội dung, và đặc biệt, hầu như không thu được thuế. Ngược lại, các doanh nghiệp cùng ngành trong nước đang phải đóng thuế đầy đủ và chịu sự quản lý nghiêm ngặt. Điều này đang gây áp lực lớn cho DN nội và vô hình chung đang"bảo hộ ngược" cho các doanh nghiệp ngoại, đơn cử như trong lĩnh vực OTT hay còn gọi là cung cấp nội dung truyền hình trên nền tảng Internet.

Một bộ phim nước ngoài có bản quyền được người dùng mua trên nền tảng truyền hình trực tuyến của một doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chịu 3 loại thuế gồm thuế bản quyền (10%), thuế giá trị gia tăng (5%) và thuế thu nhập doanh nghiệp (hơn 20%). Do vậy, chi phí cho thuế để duy trì nền tảng là áp lực rất lớn.

Tuy nhiên, điều không hợp lý là áp lực này lại đang chỉ dành cho doanh nghiệp OTT nội. Trong khi đó, những doanh nghiệp OTT hàng đầu thế giới như Netflix đã vào thị trường Việt Nam gần 3 năm nay, thu phí người dùng theo tháng với các mức thấp nhất 180.000 đồng, cao nhất là 260.000 đồng. Ước tính doanh thu của doanh nghiệp này là không hề nhỏ, đặc biệt là khi dòng thu này đang không phải chịu thuế.

Theo Muvi, hiện dung lượng thị trường truyền hình trực tuyến tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ đạt đến 650 triệu USD/năm sau 2 năm nữa. Giới chuyên gia cho rằng, nếu không sớm có những hành lang pháp lý rõ ràng để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng cho lĩnh vực OTT truyền hình, viễn cảnh doanh nghiệp ngoại đã vào thị trường như Netflix hay sắp tới có thể là cả Apple hay Disney sử dụng lợi thế hiện có tranh thủ chiếm thị phần của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra.

Không chỉ lĩnh vực truyền hình trên Internet mà các lĩnh vực nội dung hay bán hàng, quảng cáo trên mạng khác đều chung cảnh cạnh tranh bất bình đẳng giữa DN ngoại và DN nội.

* Khó khăn khi thu thuế các dịch vụ xuyên biên giới

Thực tế nhức nhối là hiện nay, các cơ quan quản lý vẫn chưa thể thu được thuế của các giao dịch này do không đủ căn cứ. Chỉ một vài trường hợp nhỏ lẻ gần đây, khi thông tin thu nhập bị rò rỉ, cơ quan thuế mới biết và yêu cầu truy thu. Tuy nhiên, việc truy thu này cũng vô cùng khó khăn.

Một trường hợp điển hình là Khá "bảnh". Trang YouTube của đối tượng này từng có tới hơn 2 triệu người theo dõi. Mỗi video đăng tải của đối tượng này cũng có cả triệu lượt xem, đính kèm theo đó là quảng cáo. Theo tính toán của một trang xếp hạng các trang mạng xã hội, Khá "bảnh" có thể kiếm được tới 400 đến 500 triệu đồng/tháng từ YouTube nhưng lại chưa từng kê khai và nộp thuế.

Đại diện Cục thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, không riêng gì Khá "bảnh", mà hàng nghìn cửa hàng online, thuê nền tảng của Facebook để bán hàng hiện nay cũng vẫn chưa thu được thuế do thiếu thông tin về giao dịch.

Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước không ít lần đã lên tiếng rằng việc cung cấp thông tin, giao dịch của khách hàng cho cơ quan thuế sẽ ảnh hưởng đến bí mật của khách hàng.

Theo đại diện Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, luật nên bổ sung quy định khi Ngân hàng chia sẻ thông tin với cơ quan thuế, cơ quan thuế cũng phải có nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin này.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định rõ các chế tài xử lý nghiêm. Để thu thuế giao dịch thương mại xuyên biên giới, mấu chốt vẫn là phải nắm được dòng tiền chuyển đi và chuyển về. Để kiểm soát được dòng tiền này, một loạt các nội dung mới đã được bổ sung trong dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi, trình Quốc hội lần này.

Đó là các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, không có cơ sở thường trú ở Việt Nam phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một giải pháp được đưa ra là cần sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại trong việc nắm bắt, thống kê các số lượng giao dịch xuyên biên giới, doanh thu để cơ quan nhà nước quản lý và thu được thuế.

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận và dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp lần này. Luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng để chống thất thu thuế thương mại xuyên biên giới và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.

* Các nước trên thế giới đang đánh thuế trong lĩnh vực OTT thế nào?

4 năm trước, thành phố Chicago, Mỹ đã áp thuế 9% đối với các dịch vụ giải trí trực tuyến. Sau đó, Chicago thu về hơn 2 triệu USD thuế doanh thu từ Sony và 2 nền tảng bán vé tham dự sự kiện trực tuyến khác.

Việc thu thuế thành công của Chicago đã "dẫn lối" cho nhiều khu vực khác tại Mỹ như Columbia, Iowa, Florida, Bắc Carolina, Pennsylvania và Washington tiếp tục thu thuế OTT truyền hình.

Tại châu Á, ngày càng nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đang mở rộng luật thuế tiêu thụ, bao gồm cả nguồn cung từ các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài.

Năm 2018, cơ quan thuế của Singapore cũng đã lên kế hoạch áp thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) 7% lên các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Netflix hay Amazon Prime.

Bổ sung dịch vụ OTT vào dự thảo phát thanh truyền hình Bổ sung dịch vụ OTT vào dự thảo phát thanh truyền hình Thị trường OTT thế giới phát triển như thế nào? Thị trường OTT thế giới phát triển như thế nào? Thiếu khung pháp lý quản lý OTT truyền hình xuyên biên giới Thiếu khung pháp lý quản lý OTT truyền hình xuyên biên giới

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước