Cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển bền vững

Ban Thời sự (Ảnh; Dân trí)-Thứ bảy, ngày 09/01/2021 22:24 GMT+7

VTV.vn - Trên 90 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện, mỗi năm có trên 100.000 DN thành lập mới... là những con số ấn tượng có được nhờ cải thiện môi trường kinh doanh.

Hoàn thiện thể chế về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ Nghị quyết Trung ương khóa 12 đã đề ra.

Trên tinh thần Nghị quyết của Đảng, hàng năm Chính phủ đều có những Nghị quyết đề ra hàng loạt nội dung cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng cũng được kiện toàn.

Rất nhiều hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cũng đã được tổ chức, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Từ đó, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chất lượng môi trường kinh doanh giai đoạn này của Việt Nam đã tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và nền kinh tế.

Còn năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam cũng tăng 10 bậc và đứng thứ 7 trong ASEAN.

Cải cách tốt để thu hút đầu tư chất lượng

Quảng Ninh lâu nay thường được biết đến là một tỉnh công nghiệp nặng với sức ép về ô nhiễm như: than, nhiệt điện, xi măng... Nhưng giờ đây, Quảng Ninh đang là địa phương thu hút nhiều thương hiệu mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, với số lượng tăng tới 5 lần chỉ trong vài năm.

Kinh nghiệm của Quảng Ninh cho thấy, muốn thu hút được đối tác tốt, chính mình phải cải cách tốt. Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Ninh chỉ 120ha nhưng đã thu hút hàng chục doanh nghiệp hàng đầu thế giới sau 1 năm đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho hay: "Tỉnh Quảng Ninh đã luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từ thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh để đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, hoạt động theo nguyên tắc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại chỗ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu".

Cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Các địa phương đã không thể thờ ơ trước làn sóng cải cách. Điều này có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chủ trương của Đảng. Không để tình trạng "trên nóng dưới lạnh", "quyền anh, quyền tôi"; không để tồn tại những "cây đinh dưới tấm thảm đỏ" là những mệnh lệnh được Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh khi làm việc với các địa phương.

Thời gian qua, Chính phủ đã có 3 làn sóng cải cách hành chính, xóa bỏ gần 3.500 trong hơn 6.000 điều kiện kinh doanh. Cắt giảm và đơn giản hóa gần 1.000 thủ tục hành chính và 3/4 dòng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tiếp đó là cắt giảm và đơn giản hoá 1/5 các quy định hành chính còn lại và chi phí tuân thủ về kinh doanh.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Chưa bao giờ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng và đánh giá cao, sẵn sàng tham gia bỏ vốn đầu tư phát triển các dự án lớn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đó là hiệu quả của công tác thể chế".

Hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới

Cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển bền vững - Ảnh 2.

Từ những cải cách trong thời gian qua, mỗi năm Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Ảnh minh họa.

5 năm qua, chủ trương đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã giúp cải thiện một cách rõ rệt các chỉ số xếp hạng quốc tế của Việt Nam. Trong đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc. Chỉ số phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc tăng 11 bậc, đứng thứ 3 trong ASEAN.

Đặc biệt, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, qua đó phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 36/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Quá trình thực thi bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

"Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ, sớm phục hồi kinh tế. Tăng trưởng năm nay của Việt Nam dự báo là 6,8%. Có thể thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang tăng trên thị trường thế giới. Những gì Việt Nam đã làm cho thấy sự quyết liệt để cải cách điều hành nền kinh tế", bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

Từ những cải cách trong thời gian qua, mỗi năm Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Vốn đăng ký cũng ngày càng tăng. Những con số cho thấy rõ tinh thần hứng khởi kinh doanh của toàn xã hội. Bên cạnh đó, hơn 90 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài cũng đã được triển khai, cao hơn bất cứ giai đoạn nào.

Tuy nhiên thách thức giai đoạn tới vẫn còn rất lớn. Vẫn còn nhiều việc phải làm để công cuộc cải cách của Việt Nam ngày càng hiệu quả, thực chất, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu khu vực.

Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh toàn cầu Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh toàn cầu

VTV.vn - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, với những nỗ lực lớn, thứ hạng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trên thế giới đã được cải thiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước