California tái đóng cửa vì COVID-19: "Đòn chí mạng" cho nỗ lực phục hồi kinh tế Mỹ?

Thanh Hiệp-Thứ ba, ngày 14/07/2020 21:02 GMT+7

Bang California tái áp đặt các biện pháp đóng cửa

VTV.vn - Chính quyền bang California, nền kinh tế lớn nhất tại Mỹ vừa tuyên bố tái áp đặt một loạt các biện pháp đóng cửa trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 liên tục gia tăng.

California tái áp đặt các biện pháp đóng cửa

Hôm 13/7, thống đốc bang California, ông Garvin Newsom, đã yêu cầu áp dụng trở lại ngay lập tức trên toàn bang các biện pháp hạn chế vốn vừa mới được dỡ bỏ cách đây không lâu. "Bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng tôi yêu cầu tất cả các quận hạt đóng cửa các hoạt động kinh doanh trong nhà, bao gồm các lĩnh vực nhà hàng, xưởng rượu vang, phòng thử rượu, rạp chiếu phim và các quán bar. Yêu cầu này áp dụng đối với tất cả các quận hạt của bang California".

California tái đóng cửa vì COVID-19: Đòn chí mạng cho nỗ lực phục hồi kinh tế Mỹ? - Ảnh 1.

Thống đốc bang California Gavin Newsom tuyên bố tái áp đặt các biện pháp đóng cửa (Nguồn: Reuters)

Theo quy định, các nhà hàng vẫn được phép bán cho khách ngồi ăn bên ngoài hay mang đồ ăn về. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở ít nhất 30 hạt bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bang sẽ bị buộc phải ngừng các hoạt động trong nhà tại các trung tâm thể dục, địa điểm cầu nguyện, các văn phòng không thiết yếu, tiệm cắt tóc và các trung tâm thương mại. Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới khoảng 80% dân số sinh sống tại những địa phương này.

Thông báo trên của ông Newsom được đưa ra sau khi 2 khu trường học công lớn nhất của bang California là Los Angeles và San Diego, với 825 nghìn học sinh thông báo sẽ tổ chức học tập trực tuyến trong khóa học mùa Thu tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tính tới ngày 12/7, bang California ghi nhận trung bình hơn 8.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới mỗi ngày, cao hơn gấp đôi so với tháng 6/2020. Theo số liệu của báo New York Times, bang California đã ghi nhận tổng cộng 331.626 ca COVID-19, cao thứ hai trên toàn quốc, trong đó có hơn 7.000 người tử vong.

Viễn cảnh ảm đạm cho các doanh nghiệp tại California

Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Billy Tran – chủ một cơ sở làm móng tại bang California bày tỏ sự đồng tình với quyết định của chính quyền địa phương "Tôi vẫn đồng ý với quyết định đóng cửa của chính quyền bang, và nếu nó có hiệu lực, tôi sẽ gói đồ đạc và trở về nhà, bởi tôi không muốn rủi ro xảy đến với mình".

Tuy nhiên, ông Billy Chan cũng không khỏi cảm thấy lo ngại về những tổn thất tài chính mà việc đóng cửa có thể đem lại. "Nếu đóng cửa, chúng tôi sẽ thiệt hại rất nhiều, bởi về mặt tài chính, chủ nhà vẫn đang phải trả tiền vay thế chấp. Nếu chúng tôi không kiếm được tiền để trả tiền thuê nhà, chủ nhà cũng vậy. Tất cả đều gặp vấn đề. Ngoài ra, chúng tôi cũng không có thu nhập và cuộc sống gia đình sẽ gặp khó khăn."

California tái đóng cửa vì COVID-19: Đòn chí mạng cho nỗ lực phục hồi kinh tế Mỹ? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp tại California đối mặt với cú sốc mới (Nguồn: Reuters)

Còn với các nhà hàng tại địa phương, mặc dù vẫn có thể duy trì hoạt động bán đồ ăn cho khách mang về, bầu không khí cũng không lạc quan hơn là bao. Ông Nizar Jawhari – chủ nhà hàng Sheesh, chuyên bán đồ ăn theo phong cách Li-băng cho hay "Tình hình đã rất tệ trong 3 tháng qua, chúng tôi đã phải đóng cửa để tuân thủ quy định của CDC và hoạt động kinh doanh giảm gần 80%. Chúng tôi chỉ có thể phục vụ các đơn hàng mang về trong khi lại được thiết kế để kinh doanh dịch vụ ăn tại chỗ. Tổn thất rất nhiều."

Tương tự, ông Zhang Lei – quản lý nhà hàng Malubianbian, chuyên bán đồ ăn Trung Quốc chia sẻ "Vấn đề chủ yếu là doanh thu. Doanh thu của chúng tôi đã giảm 70% kể từ khi đại dịch bùng phát".

Hồi tháng Ba năm nay, California là tiểu bang đầu tiên tại Mỹ áp đặt các biện pháp đóng cửa để phòng ngừa dịch bệnh, và đồng thời cũng trở thành bang dẫn đầu cả nước về số lượng việc làm bị mất. Chỉ trong 2 tháng Ba và Bốn, 2,6 triệu lao động tại bang này đã rơi vào cảnh thất nghiệp – tương đương với toàn bộ số việc làm bị mất đi tại Texas và Florida. Dẫu vậy, chính quyền bang vẫn chấp nhận những tác động này với hy vọng, khi dịch bệnh sớm được khống chế, các hoạt động kinh tế có thể được nối lại, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng.

California tái đóng cửa vì COVID-19: Đòn chí mạng cho nỗ lực phục hồi kinh tế Mỹ? - Ảnh 3.

Việc đóng cửa trở lại có thể khiến tình trạng thất nghiệp tại California trầm trọng hơn (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, những tính toán này đã đi chệch hướng. Khi nhiều bang tại Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại hồi tháng Năm, sự phục hồi kinh tế tại California vẫn diễn ra khá chậm chạp. Trong cả tháng Năm, chỉ có 141.600 việc làm mới được tạo ra tại California, kém xe Florida (182.000 việc làm mới) và Texas (237.000 việc làm mới). Và giờ đây, đà phục hồi này cũng gần như chắc chắn sẽ chấm dứt với việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Thách thức lớn đối với đà phục hồi kinh tế Mỹ

Với dân số 40 triệu người, California hiện sử dụng nhiều lao động hơn bất kỳ bang nào khác tại Mỹ và đang là nền kinh tế lớn nhất xứ cờ hoa, chiếm 14% GDP của cả nước. Lượng hàng hóa và dịch vụ mà California tạo ra gần tương đương với tổng sản lượng của hai bang Florida và Texas.

Đặc biệt, kể từ sau Đại Suy Thoái, California luôn là động lực hàng đầu về tăng trưởng việc làm của nền kinh tế Mỹ. Theo thống kê, cứ 7 việc làm mới được tạo ra tại Mỹ thì có 1 là ở California. Để so sánh, chỉ tính riêng trong giai đoạn 12 năm hậu khủng hoảng tài chính, Texas chỉ tạo ra 1/8 việc làm mới tại Mỹ, còn với Florida là 1/11.

Do đó, các chuyên gia lo ngại, sự đình trệ của nền kinh tế California sẽ là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực phục hồi của nền kinh tế Mỹ, vốn đang lao đao vì đại dịch COVID-19. Tâm lý tiêu cực đã có thể được cảm nhận ngay trong phiên giao dịch ngày 13/7 tại phố Wall khi các chỉ số Nasdaq và S&P 500 đồng loạt giảm điểm, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones gần như đứng yên.

Nguồn Reuters, New York Times

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước