Để đẩy lùi tín dụng đen, cần mở rộng các kênh tín dụng chính thức như ngân hàng, công ty tài chính hay các tổ chức tài chính vi mô... Các cơ sở dịch vụ cầm đồ hiện nay cũng là một trong những nơi cung cấp dịch vụ tài chính cho những người không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng. Đây có thể là những người dân lao động tự do, không chứng minh được thu nhập, có nhu cầu vay gấp, vay ngắn.
Mặc dù vậy, một bộ phận người dân vẫn còn cái nhìn khá thiếu thiện cảm về dịch vụ này, thậm chí còn coi đó là tín dụng đen và cho rằng vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng để quản lý việc kinh doanh cầm đồ.
Theo ghi nhận, hiện có 2 nhóm ý kiến về dịch vụ cần đồ: Nhóm thứ nhất thì cho rằng dịch vụ cầm đồ không phải tín dụng đen; Nhóm thứ hai cho rằng là tín dụng đen. Vậy ý kiến nào đúng?
Trao đổi với phóng viên VTV, Luật sư Nguyễn Thị Yến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: "Dịch vụ cầm đồ không phải là tín dụng đen bởi vì dịch vụ cầm đồ thuộc ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật. Theo Nghị định 96 năm 2016, dịch vụ cầm đồ chính là dịch vụ hoạt động cho vay, người vay phải có tài sản cầm cố. Dịch vụ cầm đồ là dịch vụ kinh doanh hợp pháp, có đăng ký kinh doanh và phải có giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an ninh trật tự để cho vay cầm đồ. Còn tín dụng đen là dịch vụ cho vay chui, không có giấy phép, không có sự quản lý của cơ quan Nhà nước".
Luật sư Nguyễn Thị Yến cũng cho biết, dịch vụ cầm đồ thì trước hết là lãi suất phải chịu trần lãi suất theo quy định của Nhà nước, không được vượt quá 20%/năm. Tuy nhiên, tín dụng đen vì hoạt động chui, không giấy phép nên mức lãi suất sẽ không thể nào mà quản lý được, nó có thể lên đến hàng nghìn %.
Một người làm kinh doanh vừa và nhỏ cho biết khi thiếu dòng vốn, chị đã tìm đến dịch vụ cầm đồ uy tín và đã cầm xe với mức 30 triệu đồng, lãi suất theo quy định của pháp luật là 18%. Khoảng 4 tháng, chị đã thanh toán trước kỳ hạn.
"Khi mà mọi người không hiểu kỹ, mọi người sẽ vun vào tín dụng đen. Mọi người đánh đồng, còn tôi là người trải nghiệm thực tế thì tôi không thấy có vấn đề như thế. Mọi sự đều được Nhà nước cấp phép, quy định bình thường", người đi cầm đồ chia sẻ.
Như vậy, pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về dịch vụ cầm đồ và đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở dịch vụ cầm đồ phải có đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy. Chủ cơ sở cầm đồ phải là người không có tiền án, tiền sự. Những cơ sở cầm đồ nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật, núp bóng cho vay tín dụng đen sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!