Hiện nay, ngành hải quan có hơn 5.480 tỷ đồng tiền nợ thuế xuất nhập khẩu. Trong đó, 70% là khó hoặc không thể thu hồi, phần lớn là do doanh nghiệp đã giải thể, còn chủ doanh nghiệp đã cao chạy xa bay và nhiều món nợ đã kéo dài 10-20 năm.
Theo quy định, nợ thuế quá 10 năm sẽ được xóa sau khi cơ quan chức năng đã áp dụng hết tất cả các biện pháp cưỡng chế. Với các biện pháp như phong tỏa tài khoản, phong tỏa hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, kê biên tài sản doanh nghiệp, việc thực hiện khá nhanh và đơn giản. Thế nhưng, duy nhất có biện pháp thu hồi tài sản của người nợ thuế là khó thực hiện. Do không thể thu hồi được tài sản của người nợ thuế nên vẫn không đủ điều kiện để xóa nợ dù không thể đòi.
Một điều bất cập khác như tại TP Hà Nội, không ít doanh nghiệp chưa chịu nộp thuế nhưng tiền phạt chậm nộp phát sinh còn lớn hơn cả số thuế phải nộp dẫn đến doanh nghiệp không đủ khả năng để nộp đủ cả 2 loại thuế trên.
Tuy nhiên, đó là trong trường hợp tìm và biết rõ chủ doanh nghiệp. Còn không ít các trường hợp nợ thuế khác do doanh nghiệp đã giải thể, chủ doanh nghiệp đã mất tích từ 10 đến 20 năm, không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế nên cũng không thể xóa nợ.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng cần có cơ chế và quy trình xóa nợ linh hoạt, phù hợp trong thời gian tới. Với các khoản nợ đã xác định không thể thu hồi nên cho xóa ngay mà không cần áp dụng đủ các biện pháp cưỡng chế.
Phía hải quan cho rằng việc này giúp làm sạch sổ sách kế toán, gỡ bỏ được số nợ không thực tế, vừa làm giảm áp lực, thời gian, công sức cho các cơ quan quản lý thuế, tránh tình trạng, đi đòi nợ thuế kết quả chỉ ở con số 0 đồng nhưng phải mất 2 đến 3 đồng chi phí cho việc đi đòi nợ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!