Ngoài giải phóng mặt bằng, một trong những thách thức khó khăn nhất của dự án hiện nay đó là làm sao đảm bảo nguồn vật liệu cát phục vụ cho công tác san lấp. Tính chung toàn dự án đi qua các địa phương thì cần đến 9,3 triệu m3 cát san lấp. Năm nay 2024 đặc biệt là 3 quý cuối năm được cho là khoảng thời gian cao điểm nhất của dự án khi cần đến 7 triệu m3 cát san lấp. Việc nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt, chưa xác định được đầy đủ nguồn cung cấp đang làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các gói thầu.
Thông tin từ Ban giao thông TP. Hồ Chí Minh, hiện tại 3 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang có 66 mỏ cát với tổng sản lượng hơn 10 triệu m3 đã cam kết sẽ hỗ trợ cát san lấp cho Vành đai 3. Dù vậy thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là về mặt thời gian và thủ tục. Đối với mỏ đang khai thác thì có thể cung cấp ngay một phần sản lượng. Với các mỏ phải gia hạn thực hiện dự án thì phải mất thêm khoảng thời gian 3 tháng.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc, BQL đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện TP. Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác vật liệu riêng cho Vành đai 3 bao gồm lãnh đạo và Sở Tài nguyên và Môi trường của các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ giúp trong quá trình triển khai các thủ tục về mỏ để làm sao trong quý 2 chúng ta có thể tiếp nhận được những nguồn cát từ các địa phương".
Đại diện Ban giao thông cho biết, Thành phố cũng đang chuẩn bị phương án B, đó là dùng thêm vật liệu từ cát biển cho các tuyến cao tốc, dự kiến Chính Phủ sẽ sớm ban hành quy chuẩn, quy trình để thực hiện thêm phương án này. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết, hiện nay cát biển vẫn chưa được khuyến khích sử dụng cho các công trình mang tính bền vững, lâu dài.
"Nếu như chúng ta xem đó là một sáng tạo có thể sử dụng được thì cần có một thẩm định mang tính khoa học, bởi vì xây dựng một hệ thống cao tốc thì mình phải tính đến niên hạn sử dụng của nó hàng trăm năm hoặc hơn. Trong trường hợp mình không đủ cát thì cũng có thể mình làm đường trên cao hoặc mình sử dụng một số vật liệu địa phương", TSKH. Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch, kiến trúc nhận định.
Ngoài ra, một trong những điều kiện hợp đồng với các nhà thầu là cũng phải chủ động tìm nguồn cát san lấp. Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu với các nhà thầu phải tuân thủ và chủ động hơn nữa.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tôi đề nghị các chủ đầu tư các đồng chí xem lại và xử lý một số nhà thầu yếu kém và không nghiêm túc. Và trong tháng 3 này các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư và các quận huyện các đồng chí phải chỉ cho ra được những nhà thầu nào mà chây ì, yếu kém, không nghiêm túc và phải xử lý ngay".
Hiện với tiến độ dự án khu vực TP. Hồ Chí Minh, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt trên 99%, và đang triển khai đồng bộ 10 gói thầu xây lắp. Thành phố cho biết sẽ thực hiện mọi giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản trục cao tốc chính, và đến năm 2026 sẽ hoàn thành toàn bộ hạng mục của công trình.
Nếu như năm 2023 chúng ta gieo hạt mầm xuống khu vườn, từ 2024 trở đi sẽ bắt đầu có trái ngọt, diện mạo giao thông TP. Hồ Chí Minh và liên vùng kinh tế trọng điểm đổi thay rõ rệt nhất từ năm 2030. Đây là nhận định của đại diện Ban giao thông TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, với vai trò cầu nối giữa các địa phương, TP. Hồ Chí Minh cho biết đang tìm mọi giải pháp để đảm bảo nguồn cung vật liệu và đảm bảo tiến độ thi công cho dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!