Ngày 30/12 đã diễn ra cuộc họp báo của Bộ Xây dựng. Nhiều thắc mắc của báo chí đã được giải đáp trong đó nổi cộm là thông tin về đề án xây dựng ít nhất trên 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Cả nước hiện đang có 401 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 44.000 căn. Dự kiến đến năm 2030, khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội sẽ được cung cấp thêm ra thị trường. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế để tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc làm thế nào để kéo giá nhà ở xã hội xuống cho phù hợp với thu nhập của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá vật liệu tăng khiến giá nhà ở xã hội xây mới tại nhiều nơi cao gần bằng giá nhà ở thương mại, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, riêng đối với phân khúc này cần phải có những chính sách đủ mạnh mới có thể giảm giá trong thời gian tới.
Một khu chung cư nhà ở xã hội ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
"Có những ưu đãi cho việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, từ đó mới giúp giảm được giá bán. Đẩy nhanh thủ tục đầu tư cũng là một trong những cái làm giảm chi phí nhân công, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay. Đây là chi phí tác động lớn lên hoạt động đầu tư", ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhận định.
Về phía mình các doanh nghiệp cho biết, họ cần có những thông số cụ thể liên quan tới các chính sách ưu đãi, trong đó đặc biệt là lãi suất vay ngân hàng. Bởi trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người mua đều không tiếp cận được với nguồn vay giá rẻ, trong khi giá vật liệu tăng cao, thủ tục kéo dài, dù có xây dựng xong cũng chưa chắc đã bán được vì chi phí đầu vào tăng, giá cũng sẽ tăng cao, như vậy cũng khó cạnh tranh được với các dự án nhà ở thương mại đã đi vào sử dụng trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!