Thách thức trong tận dụng cơ hội từ các FTA

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/02/2022 06:22 GMT+7

VTV.vn - Năm 2021, hàng hóa Việt Nam tiếp tục ghi dấu trên bản đồ thế giới khi xuất siêu 4 tỷ USD bất chấp khó khăn của đại dịch.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Một trong những yếu tố đóng góp vào thành tích ấn tượng này chính là chất xúc tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới.

Việt Nam là một trong số ít các nước chỉ sau 15 năm gia nhập WTO đã đàm phán, ký kết được 15 FTA, giúp mở rộng "cánh cửa" thị trường cho hàng hóa xuất khẩu để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Hiệp định EVFTA sau hơn 1 năm thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang EU trên 40 tỷ USD, tăng 14%.

Hiệp định UKVFTA được thực thi từ đầu năm ngoái cũng giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD. Giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số. Xuất khẩu tăng 15,4%.

Thách thức trong tận dụng cơ hội từ các FTA  - Ảnh 1.

Riêng với CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA như Canada tăng 19,5% và Mexico là 46,1%

Thách thức từ sân chơi mở

Từ đầu năm nay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với mức độ cam kết hài hòa hơn, đây đều là những quốc gia đã tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và có sự tương đồng trong cơ cấu xuất khẩu với Việt Nam.

Nhật Bản vốn là thị trường truyền thống của Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú. Vì vậy khi RCEP có hiệu lực, doanh nghiệp cũng không giấu tham vọng chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính khác trong khối.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú, cho biết: "Đối với hiệp định RCEP, tôi thấy có New Zealand và Australia là 2 thị trường mà chúng tôi nhắm tới. Tuy nhiên, lúc trước hiệp định chưa có hiệu lực, xuất khẩu vào giá cũng khó cạnh tranh. Khi mà hiệp định có hiệu lực, chúng tôi cũng phải cân nhắc để quay trở lại tìm đối tác và mở rộng thị trường".

Các ngành viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp được cho là những lĩnh vực hưởng lợi khi Việt Nam tham gia RCEP, nhờ quy tắc xuất xứ cộng gộp, các quy định về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, nhận định: "Thuận lợi của RCEP mang lại chính là nguồn nguyên liệu vì thực tế, hiện nay nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu hải sản có đến 40-50% là nhập khẩu từ nước ngoài. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp hải sản để tận dụng và phát huy hết công suất chế biến và đem lại công ăn việc làm cho công nhân".

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, cho biết: "Giá trị gia tăng về cắt giảm thuế quan không nhiều trong RCEP, nhưng quan trọng là nó giải quyết vấn đề về xuất xứ hàng hóa, thì nó sẽ làm thay đổi chuyển cung ứng, chuỗi giá trị trong khối".

Tham gia Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia có trình độ kĩ thuật cao hơn, đó luôn là thách thức với Việt Nam và RCEP cũng không phải là ngoại lệ khi mà thị trường Việt Nam sẽ đón nhận một lượng lớn hàng hóa và nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các nước trong khối.

TS. Trần Toàn Thắng cho biết thêm: "Thách thức lớn nhất đó là phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong thời gian tới, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ rẻ hơn. Điều này sẽ kích thích nhập khẩu thay cho việc sản xuất trong nước. Đó là một sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp".

Còn với Liên minh châu Âu EU - thị trường tiêu chuẩn cao vào được và đã tăng trưởng là sự ghi nhận thành công bước đầu. Đưa được nông sản vào thị trường châu Âu là một thách thức, để nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho ra những sản phẩm chất lượng cao hơn. 

Thị trường chung châu Âu áp đặt các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm ngặt nghèo nhất thế giới, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Những năm gần đây, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội cũng dần trở thành những tiêu chuẩn quan trọng.

Chuyện con tôm Việt Nam trên thị trường châu Âu

Con tôm Việt Nam trong chuỗi đại siêu thị Cora của Pháp là loại nuôi theo quy trình hữu cơ. Tôm nõn hữu cơ đông lạnh từ Việt Nam được đóng trong hộp giấy, trộn lẫn với tôm từ Ecuador. Cũng có tôm nguyên vỏ bỏ đầu từ Việt Nam, đóng trong túi nửa cân hay một cân. Con tôm Việt Nam vào được các chuỗi phân phối bán lẻ lớn của châu Âu phải thoả mãn hàng chục tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Tồn dư hoá chất, vi sinh, kháng sinh, kim loại nặng… trong con tôm phải ở mức cực kỳ thấp.

Thách thức trong tận dụng cơ hội từ các FTA  - Ảnh 2.

Ông Trần Trọng Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ nói: "Đối với tất cả hàng xuất khẩu vào thị trường EU bắt buộc phải tôn trọng các quy định về an toàn thực phẩm của EU. Hiện tại ngưỡng dư lượng của tất cả các ngưỡng đều mặc định là khoảng 0,01%, là ngưỡng rất thấp".

Có một hệ thống tự động cảnh báo toàn châu Âu mỗi khi phát hiện một thực phẩm có dư lượng vượt quá mức cho phép. Cửa ải đầu tiên là kiểm tra ngẫu nhiên ngay tại cảng biển. Một lô hàng cụ thể, bị phát hiện vi phạm tại một nước châu Âu, sẽ bị buộc phải rút khỏi toàn bộ thị trường châu Âu, thậm chí thiêu huỷ, bất kể có nguồn gốc bên ngoài hay bên trong châu Âu.

Ông Eric De Muylder, nông dân làng Ternat, Bỉ, nói: "Tất nhiên là cần phải bổ sung một số phụ gia trong thức ăn cho tôm để giúp chúng không nhiễm bệnh nhưng phụ gia đó phải là các sản phẩm tự nhiên, chứ không phải là kháng sinh. Theo tôi điều đó rất quan trọng vì nếu sử dụng kháng sinh thì không thể nào bán được".

Nông sản thực phẩm phải tuân thủ quy định an toàn vệ sinh đã đành, ngoài ra thì còn phải đáp ứng những tiêu chí không liên quan tới chất lượng sản phẩm. Hàng hoá phải không dính dáng tới phá rừng hay tận diệt thuỷ sản, quy trình sản xuất phải hợp pháp, thân thiện môi trường và trước tiên, là phải có mã số vùng trồng vùng nuôi, giúp truy xuất nguồn gốc nông sản.

Ông Maarten Van Geest, công ty Thuỷ sản Culimer, Hà Lan, cho biết: "Người tiêu dùng châu Âu muốn biết sản phẩm có nguồn gốc ra sao. Chúng tôi nhận thấy ngư dân Việt Nam chỉ quan tâm đến sản lượng mà không để ý rằng ở châu Âu người tiêu dùng còn quan tâm đến việc sản phẩm đó được làm ra trong những điều kiện như thế nào nữa".

Con tôm Việt Nam đã vượt qua được những đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, nhập khẩu tôm từ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Bối cảnh đang thuận lợi nhờ Hiệp định Thương mại tự do. Vấn đề chỉ còn là, phải làm sao để duy trì ổn định lâu dài chất lượng sản phẩm trong một thị trường khó vào, nhưng đã vào được, là khẳng định được uy tín trên thị trường thế giới. Con tôm Việt Nam đã có thị thực châu Âu rồi, tức là thừa đủ điều kiện để bơi vào bất kỳ thị trường nào.

Với thị trường EU, Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với Liên minh châu Âu nhưng EU cũng đang đàm phán hiệp định thương mại với các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của "người đi trước" để tạo chỗ đứng vững chắc tại các thị trường đối tác.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 8/2 với khách mời là ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước