Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, đây là đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nhằm giúp người lao động an cư, lạc nghiệp.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, với 200 triệu đồng, người dân có thể mua được căn nhà cho riêng mình. Kết quả này có được nhờ các địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ mua nhà ở thu nhập thấp. Nhờ đó, hàng nghìn hộ gia đình cán bộ và công nhân nghèo có mái ấm cho riêng mình.
Vào ở nhà mới, anh Toàn (phường Ba Láng, Cái Răng) vẫn còn nguyên cảm xúc vui mừng, phấn khởi. Với thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng, vợ chồng anh vừa phải lo tiền học cho 2 con nhỏ, đóng tiền trọ hàng tháng. Nếu không có chính sách nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, anh không dám nghĩ sẽ mua được căn hộ cho riêng mình.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, với 200 triệu đồng, người dân có thể mua được căn nhà cho riêng mình. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Mình tiếp cận được với nhà ở, dù sao mình trả rồi thì nhà đó sẽ là của mình, từ đó mình có động lực mình làm việc sẽ tốt hơn", anh Nguyễn Văn Toàn, phường Ba Láng, Cái Răng, TP Cần Thơ, chia sẻ.
Không có khả năng mua nhà, sau khi lập gia đình anh Nhựt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) sống chung với cha mẹ hơn 10 năm. Trong lúc khó khăn nhất, anh được xét vay tiền từ chương trình nhà ở thu nhập thấp. Với 200 triệu vay được, anh có thể cất căn nhà cho riêng mình.
"Qua thời gian triển khai, chúng tôi thấy người vay rất là đồng tình về chủ trương này, được cấp Ủy, chính quyền địa phương các cấp rất ủng hộ nên tạo điều kiện thuận lợi về hồ sơ", ông Huỳnh Hoàng Phong, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP Cần Thơ, cho biết.
Thành phố Cần Thơ - trung tâm đô thị lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, đang tập trung một lượng lớn công nhân lao động từ các địa phương trong khu vực. Nhu cầu nhà ở thu nhập thấp là rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!