Cẩn trọng nâng trần nợ công

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 31/08/2020 20:39 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia cho rằng việc nâng trần nợ công sẽ tạo cơ sở để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, nhưng chỉ là việc làm tình thế, tạm thời trong bối cảnh hiện nay.

Huy động thêm 180.000 - 240.000 tỷ đồng

Do dịch COVID-19 đã quay trở lại, tiếp tục làm khó nền kinh tế và đời sống người dân nên một gói chính sách hỗ trợ kinh tế lần 2 đang được đề xuất. Các chính sách này cần đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường mới phục hồi được nền kinh tế.

"Nguồn lực nào để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp?" là câu hỏi được đặt ra. Thủ tướng Chính phủ có chủ trương có thể xem xét tăng tỷ lệ nợ công thêm từ 2% - 3% GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Đây là một trong những định hướng quan trọng để có được nguồn lực kịp thời.

Bộ Tài chính dự báo, hết năm nay, nợ công có thể ở mức 56% - 57% GDP. Kế hoạch vay của Chính phủ năm 2020 là 501.000 tỷ đồng, gồm: vay trong nước 394.000 tỷ đồng và vay nước ngoài 107 tỷ đồng. Trường hợp tăng vay vốn thêm 2% - 3% GDP để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển và hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, khả năng các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Tuy vậy, phương án vay bổ sung 2% - 3% GDP trong năm nay, tức là từ 180.000 - 240.000 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng đã phê duyệt cũng sẽ là thách thức không nhỏ.

Không dễ vay thời điểm này

Vay nợ có hai nguồn: vay nước ngoài và vay trong nước. Thời gian vừa qua, để kiểm soát nợ công, cả hai nguồn vay này đều được cơ cấu chặt chẽ, vì vậy vay thêm ở nguồn nào cũng rất khó khăn.

Ngay thời điểm đợt đầu tiên của COVID-19, WB đã cho Việt Nam vay 50 triệu USD giải ngân nhanh để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, nhưng đây là khoản vay nhỏ.

Cẩn trọng nâng trần nợ công - Ảnh 1.

Nợ công là chỉ tiêu kinh tế quan trọng đánh giá tín nhiệm và sự an toàn tài chính của một quốc gia. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Với các khoản vay lớn, đến nay các đối tác quen thuộc cũng đã có những phương án chào vay tới Việt Nam. Tuy vậy, khoản vay lớn phải tuân thủ lộ trình nghiêm ngặt kéo dài vài tháng đến cả năm, còn vay trong nước qua phát hành trái phiếu cũng khó để huy động thêm.

Không chỉ khó khăn về nguồn vay, áp lực trả nợ cũng là vấn đề cần cân nhắc. Giai đoạn 2016 - 2020, cứ có 100 đồng thu ngân sách, phải trả nợ 16 - 18 đồng. Trong bối cảnh hụt thu ngân sách hiện nay, áp lực này cũng tăng cao.

Bên cạnh việc tính tới nâng trần nợ, Nhà nước có thể sử dụng các nguồn quỹ dự trữ sẵn có bù đắp thiếu hụt hiện nay.

Các chuyên gia đều thống nhất, việc nâng trần nợ công sẽ tạo cơ sở để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, nhưng chỉ là việc làm tình thế, tạm thời trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vì vậy cần phối hợp biện pháp này với những giải pháp khác để đạt mục tiêu cao nhất là hiệu quả trong việc huy động.

Kiểm soát chi để sử dụng vốn vay hiệu quả

Đi vay đã khó, nhưng vay được, đến tiêu còn khó hơn. Đơn cử đến thời điểm này, nguồn vốn ODA ưu đãi đã ký kết nhưng chưa giải ngân còn trên 10 tỷ USD. Chính vì vậy, việc cân nhắc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã vay được và hiệu quả của nguồn vốn sẽ đi vay là rất cần thiết.

Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng được vay của một tổ chức của Nhật Bản.

Theo kế hoạch, vốn cả năm phải giải ngân 80 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thực hiện được trên 50% và dự kiến cuối năm sẽ giải ngân hết.

Các khoản chi đã được kiểm soát chặt chẽ, nhằm đảm bảo chi đúng, chi đủ và dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Cẩn trọng nâng trần nợ công - Ảnh 2.

Bộ Tài chính dự báo, hết năm nay, nợ công có thể ở mức 56% - 57% GDP. (Ảnh minh họa)

Kiểm soát chi đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn vay trong và ngoài nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính quan trọng của quốc gia.

Tuy hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát chi chặt chẽ, nhưng các khoản chi đó có đúng hay không thì phải qua công tác hậu kiểm của cơ quan kiểm toán và thanh tra chuyên ngành mới xác định được.

Vốn đầu tư cho phát triển của Việt Nam đang thiếu, phải huy động từ nguồn vay trong và ngoài nước với lãi suất cao hơn các giai đoạn trước. Vì vậy, việc quản lý, sử dụng nguồn lực này càng phải tiết kiệm, không để vốn tồn đọng và nâng cao được chất lượng, hiệu quả các dự án là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết.

Nợ công là chỉ tiêu kinh tế quan trọng đánh giá tín nhiệm và sự an toàn tài chính của một quốc gia. Trong 7 tháng đầu năm nay, có đến 40 quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã bị hạ bậc tín nhiệm, chủ yếu do các gói hỗ trợ tài khóa phòng chống đại địch dẫn đến gánh nặng nợ công gia tăng mạnh. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được cả 3 tổ chức xếp hạng tiếp tục giữ nguyên. Vì vậy, việc tính toán nâng trần nợ công phải rất thận trọng.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư công có nhiều điểm sáng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư công có nhiều điểm sáng

VTV.vn - Theo Hội nghị giao ban trực tuyến lần thứ 2 với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công tháng 8 đạt 45%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước