Hai ngày tới, 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công sẽ chính thức được khởi công xây dựng và 5 dự án thành phần còn lại đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP cũng đang trong thời gian hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công vào cuối năm. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay của các dự án này đang nằm ở nguồn vốn tín dụng.
Đây là lần đầu tiên việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án BOT giao thông được thực hiện bằng hình thức đấu thầu công khai rộng rãi, thay vì chỉ định thầu như giai đoạn trước đây.
Nan giải vốn tín dụng cho dự án PPP cao tốc Bắc - Nam
Những lý do khiến các ngân hàng thương mại vẫn chưa sẵn sàng rót vốn cho các dự án đã được đại diện các ngân hàng lớn nêu ra trong buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước.
Theo đại diện Ngân hàng BIDV, một số dự án BOT trước đây cho vay thì nay đã phải cơ cấu lại nhóm nợ, thậm chí phải chuyển sang nợ xấu, nguyên nhân vì doanh thu không đảm bảo, do không được tăng phí 3 năm/lần như trong hợp đồng đã ký. Sau khi vận hành, việc phân chia lưu lượng phương tiện cũng không được thực hiện.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại trước đây để thu hồi nợ và tiếp tục tài trợ cho các dự án tiếp theo, đặc biệt là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam", ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, nhấn mạnh.
Còn theo đại diện ngân hàng Vietinbank, ngân hàng này hiện đã tài trợ 52.000 tỷ đồng cho 32 dự án BOT. Danh mục còn phải giải ngân thêm vào khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy đã chạm trần tín dụng đối với lĩnh vực này.
Đến thời điểm này, tiến độ giải phóng mặt bằng đã đạt đến 92%, góp phần giảm rủi ro cho các nhà đầu tư. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Một khó khăn nữa là hầu hết các dự án BOT hiện nay không mua được bảo hiểm vì chi phí bảo hiểm không được tính vào chi phí vận hành. Vì vậy, các ngân hàng cũng e ngại rủi ro phải gánh chịu.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, theo luật, các ngân hàng thương mại sẽ toàn quyền xem xét và tự quyết định cho vay, miễn là dự án khả thi và phù hợp với chiến lược kinh doanh.
Theo báo cáo của các ngân hàng, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, có 56/116 dự án BOT đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Tổng dư nợ của các dự án này là gần 72.000 tỷ đồng. Trong đó, 30 dự án có khả năng phải chuyển sang nhóm nợ xấu với số vốn vay gần 28.200 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Những dự án như tuyến tránh TP Thanh Hóa và tuyến tránh Cai Lậy đã dừng thu phí hơn 2 năm nay mà vẫn chưa biết đến khi nào mới được thu phí trở lại.
Được biết, các dự án BOT cũ trước đây chủ yếu được thực hiện dựa vào vốn vay ngân hàng, thậm chí có những dự án vay đến 90% tổng mức đầu tư, do đó, khi có vấn đề xảy ra liên quan đến dòng tiền, ngay lập tức làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, với 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, phần vốn tín dụng là không lớn. Nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị 20% vốn chủ sở hữu. Nhà nước cấp cho trung bình 51%, 29% còn lại sẽ vay từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng 15.500 tỷ đồng. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng muốn khơi thông sự ách tắc trong tâm lý cho vay của các ngân hàng, Bộ GTVT sẽ phải nhanh chóng có những giải pháp quyết liệt và triệt để hơn nữa.
Cần cơ chế rõ ràng để huy động vốn cho cao tốc Bắc - Nam
Vì là hợp tác công tư nên theo chuyên gia, một cơ chế bình đẳng giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ là điều kiện then chốt để thu hút vốn tín dụng cho cao tốc Bắc - Nam.
Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, các số liệu về nguồn thu và dòng tiền của dự án phải được xây dựng cẩn thận và minh bạch ngay từ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
Các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam sẽ được áp dụng những cơ chế hợp tác công tư tốt nhất. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Do các ngân hàng bỏ số tiền rất lớn trong thời hạn dài nên có rất nhiều rủi ro cho họ. Thời hạn càng dài thì các điều kiện môi trường kinh tế thay đổi, từ đó nguồn thu bị ảnh hưởng nên để khuyến khích các nhà đầu tư, ngân hàng tham gia vào các dự án này thì phải có sự linh hoạt trong các cơ chế", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Thực tế, nhà đầu tư và ngân hàng là đối tác của nhau, còn Bộ GTVT, với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không phải là khách hàng trực tiếp đi vay vốn. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn hiện tại, sự kết nối giữa các nhà đầu tư với các tổ chức tín dụng lại đang là yếu tố quyết định sự thành bại của các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, những vướng mắc của các dự án BOT trước đây sẽ được tháo gỡ bằng một số giải pháp như cho phép tăng phí theo lộ trình, không thu tại các trạm bất hợp lý, bố trí ngân sách để mua lại một số dự án; đồng thời, với các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam sẽ được áp dụng những cơ chế hợp tác công tư tốt nhất.
Đến thời điểm này, tiến độ giải phóng mặt bằng đã đạt đến 92% cũng góp phần giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, tránh được việc vừa làm vừa chờ mặt bằng dẫn đến đội vốn. Bên cạnh đó, đầu năm sau, Luật PPP sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ GTVT cho biết, đến lúc đó các thông tư hướng dẫn để làm rõ các cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp cũng sẽ ban hành tạo thuận lợi cho các dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!