Cắt cơn sốt tăng giá nhà đất?

VTV Digital-Thứ hai, ngày 28/10/2024 13:18 GMT+7

VTV.vn - Giá nhà, đặc biệt tại các Thành phố lớn như Hà Nội, có lẽ là vấn đề được nhắc tới nhiều nhất trên thị trường trong các tháng vừa qua.

Theo kế hoạch, sáng nay, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2030". Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề nêu trên.

Để có được báo cáo này, các tháng vừa qua, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã làm việc với nhiều tỉnh thành, ghi nhận các kết quả, các vướng mắc còn tồn tại, đề xuất từ phía các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Giá nhà, đặc biệt tại các Thành phố lớn như Hà Nội, có lẽ là vấn đề được nhắc tới nhiều nhất trên thị trường trong các tháng vừa qua. Báo cáo một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy: Giá chung cư mới và cũ, đã ở vài năm tại Hà Nội đều tăng, có dự án đã tăng tới khoảng 30% sau một năm, tùy từng dự án. Các phân khúc khác như nhà đất thổ cư, cũng tăng giá theo. Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân giá nhà tăng là do chi phí đầu vào tăng, nguồn cung thị trường hạn chế. Và quan trọng hơn, nhiều tổ chức, môi giới đã lợi dụng để thổi giá, kích giá, gây nhiễu loạn thông tin để kiếm lời... Từ quý III trở đi, dù nguồn cung đã cải thiện hơn, nhưng chủ yếu lại nằm ở phân khúc cao cấp, hạng sang với giá thành đắt đỏ, có thể lên tới 100 - 200 triệu đồng/m2 cho căn hộ chung cư. Các căn hộ bình dân chào bán mới hoàn toàn vắng bóng trên cả thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Mức tăng giá như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch mua nhà của nhiều người dân, khiến họ chọn giải pháp chờ đợi.

Bạn Phan Thanh Hương - Thành phố Hà Nội cho biết: "Tìm mua nhà ở khu vực Nguyễn Xiển từ tháng 6, tôi tìm mua một căn khoảng 75 m2, lúc đó, giao dịch các bạn môi giới và chủ nhà đang báo với tôi là 3,8 tỷ. Nhưng đến hiện tại, tháng 9 với mức giá là 4,5 – 4,6 tỷ, tăng 600 - 700 triệu trong vòng ba tháng. Tôi chưa thể tiếp cận được".

Bạn Lê Minh Chi - Thành phố Hà Nội chia sẻ: "Mấy tháng nay giá nhà tăng rất cao và nhanh. Cùng một vị trí đó mà hai ba tháng trước mình đi xem rẻ hơn bây giờ mấy trăm triệu, không hiểu tại sao".

Cắt cơn sốt tăng giá nhà đất? - Ảnh 1.

Mức tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch mua nhà của nhiều người dân

Một câu chuyện khác nổi lên trên thị trường. Đó là sức nóng của các cuộc đấu giá tại các quận huyện ngoại thành Hà Nội. Chưa bao giờ, thị trường được chứng kiến liên tục các kỷ lục được xác lập về mức trúng đấu giá cao. Hơn 100 triệu đồng/m2 tại huyện Thanh Oai, 133 triệu đồng/m2 tại huyện Hoài Đức và mới đây là hơn 262 triệu đồng/m2 tại quận Hà Đông. Giá trúng đấu giá cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường nhà đất xung quanh. Nhiều người lo ngại về vấn đề bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất. Như ở Thanh Oai, khoảng 80% người trúng đấu giá đã bỏ cọc, trong đó có cả lô trả giá cao nhất. Giải pháp nào để hạn chế bỏ cọc đất trúng đấu giá, tránh nhiễu loạn thị trường là câu hỏi được đặt ra lúc này. Nhiều ý kiến đề xuất đã được đưa ra.

Ông Lê Hồng Phúc - Trưởng phòng quản lý và phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội nhận định: "Áp dụng công cụ thuế để cho người trúng đấu giá thứ nhất sử dụng giá chuyển nhượng là giá trúng đấu giá. Thứ hai là hạn chế thời gian chuyển nhượng, như các ô đất trúng đấu giá tối thiểu ít nhất từ 2-3 năm mới được giao dịch để đảm bảo khách hàng trúng đấu giá là những khách hàng có nhu cầu sử dụng đất chứ không phải là những khách hàng có nhu cầu đầu cơ, tích trữ".

Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam nêu ý kiến: "Thời điểm nào được chuyển nhượng chúng ta phải quy định chặt chẽ, phải nộp hết tiền và phải ra được sổ đỏ, hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ với Nhà nước thì khi đó mới được chuyển nhượng. Việc đó hạn chế rất nhiều tình trạng đấu giá trúng 5-7 lô, họ chỉ cần bán 2-3 lô là hoàn vốn".

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của việc sốt giá trên thị trường ở việc thiếu nguồn cung nhà ở. Chỉ cần tăng cung, cơn sốt tăng giá nhà đất sẽ được "cắt". Và nguồn cơn của việc thiếu dự án mới lại nằm ở chỗ, nhiều dự án vướng mắc về pháp lý.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, với các dự án bất động sản mới, triển khai từ thời điểm ba Luật mới gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản được thực thi từ ngày 1/8 vừa qua, các quy định đã khá đầy đủ. Hiện nay, vướng mắc chủ yếu nằm ở các dự án đã triển khai từ nhiều năm trước, có dự án đã triển khai cả chục năm. Để tháo gỡ, rất cần những hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Ví dụ như tại Hà Nội, hiện nay đang có khoảng 300 dự án đang phải dừng thực hiện, do vướng quy định về việc không có "đất ở" nằm trong dự án.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước