Tháo gỡ các "điểm nghẽn" cho thị trường bất động sản

VTV Digital-Thứ tư, ngày 23/10/2024 06:36 GMT+7

VTV.vn - Theo nhận định từ Bộ Xây dựng và các Hiệp hội, việc tắc nghẽn những dự án bất động sản dẫn đến thiếu nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến giá bán nhà tăng cao.

Liên tục các công điện đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành để đôn đốc việc sớm thi hành Luật Đất đai, đưa các quy định của luật vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua cũng đã giúp tháo gỡ các vướng mắc, pháp lý của nhiều dự án bất động sản.

Theo kế hoạch, vào đầu tuần tới, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023. Với mục tiêu tiếp tục tháo gỡ các "điểm nghẽn" vẫn tồn tại ở những dự án đã triển khai nhiều năm.

Các tháng vừa qua, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã làm việc với nhiều tỉnh, thành về các nội dung liên quan tới quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Tại Hà Nội, Thành phố đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác trên địa bàn TP Hà Nội. Nguyên nhân do Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép nhà đầu tư đang có quyền sử dụng "đất ở" hoặc "đất ở và đất khác" được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; không quy định cho phép đối với trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất khác. Riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng 300 dự án loại này đang dừng thực hiện.

Vừa qua, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại, nhằm khắc phục hạn chế trong quy định hiện hành.

"Nó đều mắc ở việc không triển khai được do không có đất ở, hoặc đấu thầu đấu giá qua nộp thuế thì lại không chính xác nên chúng ta cần phải có một quy định hoặc phải có cái đánh giá lại về việc định giá. Nếu kịp thời sẽ tháo gỡ được nhanh, chúng ta được biết thị trường bất động sản hiện nay đang ở giai đoạn vàng phát triển, cho nên chúng ta cần phải có cơ chế chính sách mang tính đột phá", ông Nguyên Thế Điệp - Phó Chủ tịch câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, với các dự án bất động sản mới, triển khai từ thời điểm 3 luật mới được thực thi từ 1/8 vừa qua, các quy định đã khá đầy đủ. Hiện nay, vướng mắc chủ yếu nằm ở các dự án đã triển khai từ nhiều năm trước, có dự án đã triển khai cả chục năm. Để tháo gỡ, rất cần những hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Ngoài ra, việc thực thi các luật mới cần được đẩy nhanh hơn. Riêng Luật Đất đai đã có 16 văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành.

Ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là chúng ta phải triển khai từ trung ương tới địa phương các luật đã ban hành, các văn bản quy định chi tiết để các nội dung đó được đi vào cuộc sống sớm nhất có thể".

Những dự án bất động sản vướng mắc, chậm triển khai nhiều năm gây ra lãng phí rất lớn. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và nguồn cung trên thị trường. Theo nhận định từ Bộ Xây dựng và các Hiệp hội, việc tắc nghẽn, thiếu nguồn cung là một trong những nguyên nhân chính khiến giá bán nhà vừa qua tăng cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước