Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện có. Cộng đồng doanh nghiệp đã rất kỳ vọng vào nỗ lực này của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế phát triển và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế đã không đạt hiệu quả như chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều Bộ ngành còn chậm trễ và cắt giảm theo kiểu hình thức, đối phó. Doanh nghiệp vì thế chưa được hưởng lợi. Ngoài ra, nhiều điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm lại được quy định trong các văn bản luật nên muốn bãi bỏ phải sửa luật, mà chưa biết bao giờ mới có thể thực hiện được.
Cụ thể, tính đến tháng 10/2018, các Bộ đã cắt giảm, đơn giản được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, dạt 97% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ có hơn 770 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, còn lại là sửa đổi, bổ sung, thay thế, thậm chí là thêm mới các điều kiện khác.
Rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mới chỉ có một số Bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước là tích cực thực hiện nhiệm vụ, với phương án cắt giảm thực chất. Trong khi các Bộ khác như Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sửa 9 nghị định liên quan nhưng lại bổ sung thêm nhiều điều kiện kinh doanh mới.
Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đã cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng và 30 thủ tục. Tuy nhiên, tỷ lệ cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với so với yêu cầu đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!