Thời báo kinh doanh dẫn số liệu cho thấy, trong hơn 5.000 điều kiện kinh doanh, mới chỉ có 542 điều kiện kinh doanh được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, và thay thế 111 điều kiện. Tuy nhiên, 29 điều kiện kinh doanh lại phát sinh mới. Tờ báo này gọi đây là cách cắt giảm mang tính hình thức, bởi có những điều kiện chỉ thay đổi cách diễn đạt, hoặc bỏ một vài từ không ý nghĩa cũng được thống kê là đã đơn giản hóa.
Báo Tiền Phong lấy ví dụ, với cá nhân hành nghề xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, việc bãi bỏ điều kiện “Có năng lực, hành vi dân sự” gần như không có tác động. Thậm chí, có tình trạng trộn lẫn điều kiện kinh doanh cũ và mới. Báo Tiền Phong gọi điều kiện kinh doanh là một “ma trận” với doanh nghiệp. Tư duy nhà nước can thiệp vẫn còn phổ biến ở các cơ quan ban hành chính sách.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra những điều kiện vô lý như: yêu cầu phải có chứng chỉ này, chứng chỉ kia khiến DN phải cử nhân viên đi học. Nhưng thực chất, đến học chỉ là chuyện hình thức, còn nhiệm vụ chính được nhiều DN cho biết nhân viên của họ đến chỉ dẫn thầy đi nhậu và nộp tiền lấy chứng chỉ.
Không thực chất, nhưng vì sao vẫn tồn tại những điều kiện kinh doanh vô lý? Có lẽ một phần là tại “phong bì”. Theo Thời báo kinh doanh, mặc dù nhiều thủ tục hành chính đã được làm qua mạng, nhưng vẫn cần một khâu tiếp xúc giữa người và người, phong bì “nhẹ”quyết 3 tháng nhưng phong bì “nặng” chỉ nửa ngày là xong. Chi phí bôi trơn tăng lên, khiến hàng hóa của DN Việt Nam sản xuất khó có thể cạnh tranh được với hàng ngoại.
Để việc cắt giảm thực chất hơn, VCCI đề xuất cần có quy trình ban hành điều kiện kinh doanh, kiểm soát văn bản mới. Theo đó, bên cạnh đơn vị ban hành điều kiện kinh doanh, cần có đơn vị chủ trì việc rà soát độc lập. Việc đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải có thẩm định tác động về kinh tế, đặc biệt, cần đổi mới cách tiếp cận của cơ quan nhà nước theo tư duy thị trường hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!