Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la châu Á - Bloomberg Asia Dollar Index - theo dõi rổ tiền tệ chủ chốt ở châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Diễn biến này trong bối cảnh đồng USD vẫn duy trì sức mạnh nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ và áp lực lạm phát từ kế hoạch tăng thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong phiên gần nhất, chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index có thời điểm giảm xuống mức 89,04 điểm, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu này được thu thập. Chỉ số này theo dõi biến động giá của một rổ tiền tệ quan trọng ở châu Á như Nhân dân tệ Trung Quốc, đồng Yen Nhật, Đô la Singapore, Rupee Ấn Độ, Ringgit Malaysia, Peso Philippines… so với đồng bạc xanh.
Các đồng tiền châu Á suy yếu do đồng USD liên tục tăng giá sau khi các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sự thận trọng về tốc độ giảm lãi suất trong năm nay.
Các ngân hàng Trung ương ở châu Á có thể sẽ phản ứng với chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump
Các chuyên gia dự báo, các ngân hàng Trung ương ở châu Á có thể sẽ phản ứng với chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump bằng cách cho phép tỷ giá hối đoái suy yếu một cách có kiểm soát.
Hôm qua, giá Yen Nhật Bản có thời điểm xuống mức thấp nhất 6 tháng, đạt 158,3 Yen/USD. Trong khi đó, sau nhiều tuần nỗ lực bảo vệ tỷ giá, Trung Quốc cuối tuần qua đã cho phép đồng NDT vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 7,3 NDT/USD.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết: "Chúng tôi dự đoán rằng, USD có thể lên giá khoảng 4-5% so với NDT trong năm nay, tức là tương đương khoảng 7,6 NDT/USD. Nếu mức thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc lên tới 60%, đồng NDT còn có thể sụt tới 10%".
Bà Jing Liu - Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc, Ngân hàng HSBC chia sẻ: "Chúng tôi dự báo rằng đồng NDT có thể suy yếu về ngưỡng 7,4 NDT/USD trong năm 2025. Tức là suy yếu không quá nhiều so với mức hiện nay. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tìm cách thích ứng với áp lực tăng trưởng thông qua việc để đồng tiền yếu đi. Tuy nhiên, PBOC sẽ không để đồng tiền suy yếu mất kiểm soát. Họ vẫn có nhiều công cụ can thiệp, từ việc sử dụng tỷ giá tham chiếu hàng ngày, hút thanh khoản NDT trong giao dịch ngoại tệ đến việc can thiệp trực tiếp vào thị trường".
Trong tháng trước, đồng Won Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 15 năm. Đồng Rupee Ấn Độ chạm mức thấp kỷ lục mới với 85,82 Rupee/USD. Để hỗ trợ đồng Peso, gần đây, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) cam kết sẽ can thiệp thị trường tiền tệ trong trường hợp cần thiết. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) tuyên bố sẽ bảo vệ đồng Rupiah "một cách mạnh mẽ".
Kết quả khảo sát của Bloomberg với 553 nhà đầu tư chuyên nghiệp cho thấy, gần 50% đồng ý rằng, chính sách thương mại của ông Trump, đặc biệt liên quan đến thuế quan, sẽ tác động tích cực đến đồng USD. Nhưng ở góc nhìn khác, thuế quan tăng ban đầu có thể thúc đẩy giá USD nhưng lại kéo lạm phát Mỹ tăng và Fed thậm chí sẽ thắt chặt tiền tệ trở lại. Khi đó, động thái của Fed sẽ kìm hãm tăng trưởng của Mỹ và hệ quả khiến đồng bạc xanh suy yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!