Với tổng mức đầu tư khoảng 22.400 tỷ đồng, Quốc hội vừa đồng ý bổ sung 8 dự án ODA giao thông vào danh mục đầu tư của giai đoạn 2016 - 2020. Để triển khai được ngân sách sẽ phải cấp vốn đối ứng tương đương 10% tổng vốn, vào khoảng hơn 2.200 tỷ đồng. Chỉ còn 2 năm để thực hiện toàn bộ các thủ tục và xây dựng dự án là bài toán nan giải đối với các đơn vị thực hiện.
4/8 dự án ODA mới được bổ sung do Ban quản lý dự án 2, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có tổng vốn 10.000 tỷ đồng. Theo đại diện đơn vị này, đến nay đã có dự án ký được hiệp định vay vốn nhưng nếu theo đúng quy trình sẽ phải mất gần 1 năm mới được cấp vốn đối ứng. Như vậy, nguy cơ bị nhà tài trợ cắt vốn là có thể xảy ra.
Ban quản lý dự án đường sắt cũng có 2 dự án ODA mới sẽ phải triển khai từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện đồng bộ các khâu từ đàm phán với nhà tài trợ đến làm thủ tục để được cấp vốn đối ứng thì thời gian 2 năm là thách thức không nhỏ.
Theo đại diện Bộ GTVT, hiện vẫn còn 13.300 tỷ đồng là vốn dự phòng đầu tư công của Bộ trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo quy định, số vốn này sẽ phải trả lại ngân sách. Trong khi đó, 8 dự án ODA mới sẽ phải thực hiện quy trình chờ cấp vốn đối ứng. Vì vậy, Bộ GTVT đã đề xuất được sử dụng vốn dự phòng sẵn có để chi đối ứng cho 8 dự án mới.
Tình trạng chậm cấp vốn đối ứng khiến các dự án ODA gặp khó khăn trong việc giải ngân là không hiếm tại Việt Nam trong thời gian qua. Thực trạng này không chỉ làm chậm tiến độ, mà còn khiến dự án bị đội vốn, thậm chí bị nhà tài trợ phạt hoặc "dọa" cắt vốn.
Giải ngân nguồn vốn ODA chậm, vì sao? VTV.vn - Theo đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, việc chậm thanh toán các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án của JICA đang ngày càng trở nên trầm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!