Quỹ Tiền tệ quốc tế ngày 28/7 lên tiếng cảnh báo, định chế tài chính này đang theo dõi sát sao nhiều nước ở khu vực sau câu chuyện vỡ nợ của Sri Lanka, trong đó, một số cái tên được nhắc đến với tỷ lệ nợ trên GDP hơn 100%.
Trong báo cáo mới nhất của Công ty Dịch vụ Tài chính Moody’s Analytics (Mỹ) trước đó một ngày, cho thấy nợ chính phủ ở khu vực Châu Á, trong đó đặc biệt là Đông Nam Á tiếp tục tăng do các nước nâng trần nợ và tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế. Ví dụ, nợ công của Philippines đã tăng lên 63,5% GDP vào cuối quý 1. Trong khi tại Malaysia, nợ chính phủ của nước này hiện là 63% GDP và con số này vẫn thấp hơn một số nước như Nhật Bản là 263% GDP và Singapore là 133% GDP.
Châu Á đối mặt với "bóng ma" nợ công (Ảnh minh họa: KT)
"Trên cơ sở đánh giá GDP, toàn khu vực đang trải qua sự gia tăng lạm phát lên khoảng 2,5%. Và chúng tôi cũng không loại trừ việc lạm phát sẽ đạt 3,5% vào cuối năm nay, cao hơn mức trung bình 10 năm là 2,2%. Điều này sẽ tác động mạnh đến nợ công của các nước. Nếu không có giải pháp thì nguy cơ một số nền kinh tế yếu có thể tiếp tục suy thoái. Chúng tôi chờ đợi Trung Quốc đóng một vai trò lớn trong việc giảm lạm phát nói chung cho khu vực, vì nó đang thấp hơn về mặt cơ cấu", ông Carlos Casanova, một chuyên gia kinh tế nghiên cứu về châu Á cho biết.
Cũng theo báo cáo của Moody’s Analytics, nợ hộ gia đình tăng cao. Nhiều nước đang đối mặt giá nhà đất tăng chóng mặt và tình trạng đầu cơ tiếp tục đẩy giá. Tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng vọt do tác động tiêu cực của tình hình địa chính trị thế giới, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine.
Trang Nikkei Asia của Nhật Bản nhận định, những thách thức mà châu Á đang đối mặt tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 25 năm. Các khoản nợ do đại dịch Covid-19 chưa được tháo gỡ, nhiều quốc gia lại đang phải cố gắng giảm tác động của lạm phát giá cả đối với người dân. Những động thái này càng gây thêm sức ép lên nguồn lực tài chính của các Chính phủ. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng mạnh lãi suất khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế châu Á và gánh nặng nợ bằng đồng USD sẽ tăng lên ở một số nước.
"Với mỗi đợt tăng lãi suất thì khả năng nền kinh tế Mỹ có thể bị suy thoái ngày càng tăng. Điều mà FED muốn là ít nhất phải tạo ra sự thu hẹp đáng kể trong tổng cầu ở Mỹ. Và tất nhiên, điều đó sẽ khiến các nhà xuất khẩu châu Á nói riêng rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của Mỹ giảm. Các nước Châu Á xuất khẩu ít hơn và do đó GDP sẽ yếu hơn. Tình hình ở châu Á tôi cho là khá tệ", chuyên gia Carlos Casanova nhận định.
Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong dự báo triển vọng kinh tế Châu Á đưa ra tuần trước cũng cũng hạ mức tăng trưởng cho toàn khu vực trong năm nay do mức tăng trưởng chậm hơn của nền kinh tế Trung Quốc cũng như việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển và hậu quả từ cuộc xung đột tiếp diễn giữa Nga và Ukraine.
Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, phải mất rất lâu mới có thể đạt được trạng thái phục hồi hoàn toàn và bền vững. Theo ông Park, việc một số ngân hàng trung ương châu Á đang nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng có thể bóp nghẹt hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!