Thương mại và dịch vụ khó khăn là những yếu tố đầu tiên được nhắc đến từ khi các biện pháp đóng cửa giãn cách vì COVID-19 được thực hiện. Tuy nhiên, với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ 17 nước vốn có vai trò then chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu đã chiếm 70% kim ngạch thương mại thế giới.
Tăng trưởng kinh tế toàn châu Á tốt hơn so với dự báo IMF đưa ra vì khu vực kiểm soát dịch tốt hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là những tác động từ đại dịch không nghiêm trọng. Dự báo tăng trưởng cho toàn khu vực tới hết năm 2020 vẫn là âm 1,6%.
Trong hoàn cảnh không có làn sóng COVID-19 thứ 2, năm 2021 khu vực châu Á sẽ được dự báo có tăng trưởng 6,6%. Tới năm 2022 vẫn là tăng trưởng dương, nhưng sẽ thấp hơn so với dự báo trước đó 5 điểm phần trăm.
Những con số này có liên quan trực tiếp tới sự giảm tốc của nhiều khu vực khác trên thế giới. Châu Á đã vượt qua được đợt dịch đầu, các hoạt động dịch vụ và sản xuất quay trở lại gần mức bình thường.
Khu vực châu Á được xem là điểm sáng trong “bức tranh màu xám” của kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa chặt chẽ như hiện nay khi mà phương Tây vẫn đang quay cuồng với dịch, sức mua giảm đó cũng là một vấn đề lớn cho quá trình phục hồi của những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tại châu Á. Sự sụt giảm nghiêm trọng về xuất khẩu đang tạo nên một cơn sóng ngầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường việc làm đang rất yếu ớt sau dịch của châu Á.
Hiện các số liệu về tình trạng thất nghiệp ở châu Á đang ổn định nhưng những số liệu chính thức chưa phản ánh đủ thực trạng. Ở những thị trường lớn như Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị chỉ khoảng 5,9% không cao hơn nhiều nếu so sánh với trước dịch. Ở Ấn Độ cũng chỉ khoảng 8,5%. Những con số này đều chưa bao gồm lao động nhập cư, nếu có con số lên tới gấp đôi.
Ông Parikshit Ghosh - Giáo sư, Đại học Kinh tế Delhi, Ấn Độ nói: "Nghĩ về những tháng tới, tôi cho rằng Chính phủ cần có cách để đảm bảo cuộc sống và công việc cho những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, những người nghèo. Cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản, tránh để nền kinh tế sụp đổ cùng lúc".
Tất nhiên, Chính phủ các quốc gia đều hiểu rõ hơn bất cứ ai về tính cấp bách của vấn đề. Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay là Singapore mới đây đã công bố những gói kích thích tài chính lớn để tập trung duy trì công việc, chủ yếu thông qua việc hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!