Đề tài hóc búa trên đã được mang ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu vào cuối tháng 3. Lãnh đạo 27 nước châu Âu, lúc đó cũng bế tắc, đã yêu cầu cấp Bộ trưởng Bộ Tài chính sau 2 tuần phải đề xuất được một kế hoạch phục hồi quy mô lớn và có phối hợp giữa các nước sử dụng đồng Euro.
Ông Mario Centeno - Chủ tịch Eurogroup - cho hay: "Những kế hoạch khẩn cấp sẽ bảo vệ kinh tế và xã hội của chúng ta khỏi rơi vào suy thoái. Những kế hoạch đó sẽ định hình Liên minh châu Âu trong những năm tới. Mục tiêu không chỉ nhằm trụ vững trong dịch bệnh mà còn nhằm phục hồi nền kinh tế trên một nền tảng vững chắc".
Italy đã tuyên bố nhất quyết không chấp nhận việc vay tiền lãi suất thấp từ Cơ chế bình ổn châu Âu. Cơ chế bình ổn châu Âu được tạo ra từ năm 2012. Nước nào muốn vay tiền lãi suất cực thấp từ đây bắt buộc phải áp dụng chính sách kinh tế khắc khổ và bị đặt dưới sự giám sát của các nước chủ nợ.
Ông Olaf Scholz - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức - cho hay: "Cơ chế bình ổn châu Âu được tạo ra sau cuộc khủng hoảng nợ công để hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn. Bây giờ chúng ta cần đến nó để giải quyết một vấn đề mới - cùng nhau chống lại các tác động kinh tế của đại dịch".
Italy muốn các nước châu Âu chung tay phát hành trái phiếu, như vậy lãi suất đi vay trên thị trường tài chính sẽ thấp hơn so với khi nước này tự đi vay và tránh được mọi điều kiện khắt khe. Nhưng Hà lan, Phần Lan, Áo và Đức không đồng ý lấy uy tín tài chính của mình ra để bảo lãnh vay cho Italy. Italy vẫn bảo lưu quan điểm chung tay vay tiền thị trường tài chính thì được, còn không nhận tiền từ Cơ chế bình ổn châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!