Châu Âu ra sao nếu Nga tiếp tục thắt chặt khí đốt?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 23/07/2022 14:27 GMT+7

VTV.vn - Mỗi năm cả châu Âu dùng hết hơn 300 tỷ m3 khí đốt, riêng đường ống phương Bắc 1 chiếm 1/6, do đó khi Nga vặn khóa đường ống này khiến châu Âu lo ngại.

Tại châu Âu, khí đốt tự nhiên được dùng để phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt trong gia đình, như để nấu nướng, hay để đốt lò sưởi sưởi ấm. Cuối năm 2020, số liệu cho thấy khí đốt tự nhiên chiếm gần 1/3 mức tiêu thụ năng lượng trong các gia đình. Tuy nhiên, nấu ăn chỉ là chuyện nhỏ, khí đốt quan trọng hơn là ở tác dụng sưởi ấm khi mùa đông về.

Nhiệt độ trung bình ở châu Âu trong mùa đông có thể rơi xuống mức 1oC, thậm chí - 3oC hay 4oC. Các tòa nhà công sở, trường học, bệnh viện đều trang bị những chiếc lò sưởi và các đường ống sưởi bằng khí đốt để không khí ấm lên, người dân mới có thể chống chịu được với những tháng mùa đông.

Châu Âu ra sao nếu Nga tiếp tục thắt chặt khí đốt? - Ảnh 1.

Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào năng lượng của Nga. (Ảnh: DPA)

Một trong những nước châu Âu nhập khẩu nhiều khí đốt nhất là Đức. Đường ống khí đốt Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đóng vai trò chủ lực trong việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.

Giữa tháng 6, phía Nga đã tuyên bố sẽ cắt giảm tới 60% lượng khí đốt. Tuần trước, Nga thậm chí đã khóa hoàn toàn đường ống này với lý do bảo trì, khóa suốt 10 ngày, trước khi mở van lại vào 21/7.

Sự kiện đường ống dẫn khí đốt bị khóa lại trong suốt 10 ngày đã khiến thị trường châu Âu phản ứng mạnh mẽ. Đồng Euro mất giá, về mức ngang bằng so với USD. Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Haefele của ngân hàng UBS lo ngại rằng việc Nga tiếp tục thắt chặt nguồn cung năng lượng đối với châu Âu sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế và sụt giảm tăng trưởng trong 3 quý liên tiếp.

Tầm quan trọng của đường ống phương Bắc 1

Mặc dù được mở lại, nhưng lượng khí đốt chạy qua đường ống phương Bắc 1 nhiều hay ít không được tiết lộ.

Đường ống phương Bắc 1 là đường ống quan trọng nhất thế giới lúc này, chạy từ Leningrad, Nga đến Lubman, Đức, vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Mỗi năm cả châu Âu dùng hết hơn 300 tỷ m3 khí đốt, riêng đường ống này chiếm 1/6, do đó khi Nga vặn khóa đường ống phương Bắc 1 khiến châu Âu lo ngại. Vì giả sử như Nga quyết định dùng khí đốt để gây sức ép lên châu Âu và không mở lại đường ống, giá khí đốt sẽ tăng chóng mặt. Những nước nào nhập khẩu nhiều khí đốt sẽ trải qua tình trạng mất điện diện rộng chưa từng có, cũng như là trải qua một mùa đông đóng băng, theo đúng nghĩa đen, trong cả sinh hoạt và sản xuất.

Có thể nói, các chính phủ châu Âu hiện đang khá đau đầu với việc làm thế nào để độc lập trong vấn đề khí đốt. Đó là tương lai xa, còn tương lai gần họ tính là làm sao dự trữ đủ khí đốt cho cả mùa đông.

Châu Âu đặt mục tiêu tiết kiệm khí đốt

Hôm 20/7, Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch khẩn cấp cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Theo đó, các nước thành viên được khuyến cáo, tới đầu tháng 3/2023 phải tiết kiệm được 15% lượng khí đốt so với trung bình của 5 năm trở lại đây.

Giảm tiêu thụ khí đốt sẽ trên cơ sở tự nguyện của mỗi nước, nhưng nếu tình hình nguy cấp, thì Ủy ban châu Âu có thể thông qua các biện pháp mang tính ràng buộc về pháp lý.

Ngay trong những ngày nóng bức nhất giữa hè, lãnh đạo châu Âu đã phải nghĩ tới mùa đông băng giá, khan hiếm khí đốt sưởi ấm. Không thể tìm nguồn cung ở đâu đủ bù đắp lượng khí đốt từ Nga, chỉ còn cách hạn chế sử dụng khí đốt, ngay từ bây giờ, dành dụm cho mùa đông.

"Nếu tất cả các quốc gia thành viên cam kết giảm 15% tiêu thụ khí đốt, thì chúng ta sẽ có thêm ngần ấy khí đốt cho những ngành công nghiệp buộc phải dùng khí đốt trong mùa đông tới, hoặc chuyển cho các quốc gia thành viên khác đang cần thêm khí đốt", ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh.

Ủy ban châu Âu tính toán rằng, nếu giảm được 15% lượng khí đốt, thì toàn bộ 27 quốc gia Liên minh châu Âu có thể vượt qua mùa đông một cách an toàn, kể cả khi khí đốt của Nga bị ngắt hoàn toàn.

Cơ quan hành chính, tòa nhà công cộng, trung tâm mua sắm… được khuyến cáo, nếu dùng máy lạnh, thì chỉ nên đặt nhiệt độ ở mức vừa đủ mát, chứ không cần lạnh sâu; tới mùa đông khi dùng máy sưởi, chỉ đặt mức vừa đủ ấm. Chỉ làm mát hay sưởi ấm những vị trí có người lại qua vào những thời điểm cần thiết trong ngày, chứ không cần điều hòa nhiệt độ suốt ngày đêm tại mọi nơi mọi chỗ trong tòa nhà.

Theo tính toán được công bố tại Thượng đỉnh châu Âu cách đây 3 tuần, tiết kiệm có thể đưa tới hiệu quả bất ngờ.

"Nếu trên toàn Liên minh châu Âu, các máy sưởi giảm đi 2 độ và các máy lạnh tăng lên 2 độ, thì chúng ta có thể tiết kiệm một lượng khí đốt tương đương với toàn bộ lưu lượng khí đốt từ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1", bà Ursula Von Der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhận định.

Dòng chảy phương Bắc 1, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, cung cấp tới 1/6 tổng lượng khí đốt mà 27 nước châu Âu cần dùng.

Ủy ban châu Âu khuyến nghị, máy sưởi chỉ nên đặt 19 độ, còn máy lạnh ở mức 25 độ là vừa. Chỉ có 2 con số cần nhớ, 19 mùa đông, 25 mùa hè. Trong giai đoạn đầu, việc giảm tiêu thụ sẽ trên cơ sở tự nguyện, mỗi quốc gia tự làm theo cách của mình, với mục tiêu tới tháng 3 năm sau, lượng khí đốt tiêu thụ giảm được 15% so với trung bình của 5 năm gần đây.

Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga

Đó là kêu gọi của EU, nhưng trong EU có quốc gia phụ thuộc ít vào khí đốt của Nga, như Bỉ, nhưng cũng có quốc gia phụ thuộc rất nhiều, ví dụ như Đức.

Đức là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất tại châu Âu. Mỗi năm nước này nhập tổng cộng 142 tỷ m3 khí đốt, trong đó 55% là nhập qua đường ống dẫn khí do Nga cung cấp. Đáng chú ý, Đức hiện không có cảng nhận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nào.

Trong suốt 2 thập kỷ qua, Đức hầu như không đầu tư vào cơ sở tầng tại các cảng biển để có thể tiếp nhận các nguồn năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài.

Hiện 3 trạm nhập khẩu khí LNG đang được xây dựng, nhưng những cơ sở này gặp phải khó khăn do thị trường khí đốt căng thẳng về nguồn cung khan hiếm.

Vậy người dân Đức trong suốt những tháng 4, 5, 6 khi khí đốt tăng giá, họ nghĩ gì về việc tiết kiệm khí đốt?

Người dân, doanh nghiệp Đức và bài toán tiết kiệm khí đốt

Hạn chế dùng ga để đun nấu, tắm nước nóng ít hơn, hay tích trữ củi để sưởi ấm, đó là cách nhiều người dân Đức đang áp dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn, khi nguồn cung khí đốt từ Nga liên tục phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn.

"Bạn bắt đầu phải nghĩ đến các lựa chọn thay thế, có thể là tìm cách tiết kiệm nhiên liệu hơn, hoặc là sử dụng một loại năng lượng khác để đun nóng mọi thứ", ông Sebastian Zueger, người tiêu dùng Đức, nói.

Châu Âu ra sao nếu Nga tiếp tục thắt chặt khí đốt? - Ảnh 2.

Một công nhân tại cơ sở lưu trữ khí đốt Rehden của Đức, hiện do tập đoàn Gazprom, Nga, điều hành. (Ảnh: AP)

"Chắc chắn chúng ta phải đảm bảo nguồn năng lượng, bằng cách nào đó. Tôi đã dự trữ củi. Nhưng không phải ai cũng có thể làm vậy. Sẽ có rất nhiều người và lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng", bà Dorena Bachmann, người tiêu dùng Đức, cho biết.

Các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn cũng đang cố gắng thích nghi. Ông Axel - chủ một khách sạn tại Đức, đã tìm tới các chuyên gia tư vấn năng lượng để thay thế hệ thống sưởi dùng khí đốt bằng hệ thống bơm nhiệt nước nóng. Các tấm pin năng lượng mặt trời cũng đã được lắp đặt để cung cấp điện năng cho khách sạn.

"Chi phí hoạt động của chúng tôi vẫn ổn định, và điều này giúp chúng tôi có thể duy trì mức giá ổn định đối với các khách hàng. Tôi nghĩ điều này sẽ giúp đảm bảo hoạt động của khách sạn trong tương lai", ông Axel Thien, chủ khách sạn tại Đức, cho hay.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, việc tiết kiệm khí đốt cũng được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu, bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

"Chúng tôi cần phải tiết kiệm tất cả những gì có thể tiết kiệm, để đảm bảo các nhà máy vẫn có thể vận hành ổn định, trong bối cảnh nền kinh tế Đức vẫn sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Một năm nữa, chúng tôi sẽ có nhiều cảng khí tự nhiên hóa lỏng hơn, giúp đảm bảo nguồn cung tốt hơn", ông Siegfried Russwurm, Chủ tịch Liên đoàn Các ngành công nghiệp Đức, nhận định.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, trong số các doanh nghiệp châu Âu, các doanh nghiệp Đức là nhóm đang gặp nhiều khó khăn hơn cả do chi phí năng lượng leo thang. Nếu tình hình không sớm được cải thiện trong thời gian tới, hoạt động đầu tư và triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp được dự báo sẽ sụt giảm đáng kể, trong khi tỷ lệ vỡ nợ sẽ gia tăng nhanh chóng.

Để bớt phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga, ngoài cách tiết kiệm còn có những cách khác như nhập khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng LNG hoặc khởi động các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên tất cả các cách này đều không dễ để hạ lượng khí đốt Đức phải nhập của Nga xuống 10%, đây là con số mà chính phủ Đức muốn.

Có thể thấy đây là một chặng đua mà cả thời gian và quãng đường đều không đứng về phía Đức, nếu nền kinh tế đầu tàu châu Âu gặp trở ngại do thiếu năng lượng, thì chắc chắn thị trường châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Khí đốt có thể làm ấm mùa đông, nhưng cái thị trường trông đợi lúc này là những động thái ấm áp hơn từ phía Nga.

Vì sao EU muốn cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt? Vì sao EU muốn cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt?

VTV.vn - Theo đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC), trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, các nước sẽ tự nguyện thực hiện mục tiêu cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước