Chế biến cá hấp “bí” đầu ra

Phượng Hoàng-Thứ ba, ngày 05/09/2023 14:02 GMT+7

VTV.vn - Nghề chế biến cá hấp đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thủy sản đang là lĩnh vực có tỷ lệ chế biến cao nhất. Từ nguồn nguyên liệu cá cơm, cá nục dồi dào, nhiều cơ sở chế biến cá hấp ở Ninh Thuận đã được hình thành và phát triển, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Từ sáng sớm, nhiều tàu thuyền cập cảng với hàng trăm giỏ cá cơm, cá nục tươi vừa đánh bắt được. Số cá này đều được các thương lái thu mua để cung ứng cho các lò hấp cá. Xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, hiện có khoảng 12 lò hấp, chế biến cá và 8 cơ sở kinh doanh cá hấp khô.

Mỗi ngày, các cơ sở có thể hấp hàng chục tấn cá cơm, cá nục tươi, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 200.000 - 300.00 đồng 1 người mỗi ngày.

"Doanh thu vào mùa bình quân một tháng khoảng 200 - 300 triệu, tạo việc làm trung bình cho công chính tầm khoảng 40 - 50 công, nếu vào mùa tầm khoảng 80 - 90 công", bà Thái Thị Cúc, cơ sở Sản xuất Thủy sản khô Phúc Tân, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, cho biết.

Tuy đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng thời gian gần đây, do ảnh hưởng thời tiết, tình hình ngư trường không thuận lợi nên nguồn nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở hấp cá khá bấp bênh. Thêm vào đó hiện nay, sản phẩm cá hấp khô Ninh Thuận chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch, đầu ra không ổn định, gây khó khăn cho các cơ sở để duy trì sản xuất.

Chế biến cá hấp “bí” đầu ra - Ảnh 1.

Công đoạn làm cá hấp khô ở Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN)

"Ghe họ đi các nơi hết nên họ về đây ít, về bấp bênh. Tôi không có mối mua cá được, thấy khó khăn quá không mua được nên nghỉ sớm", ông Thiệu Văn Giỏi, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, chia sẻ.

"Hiện nay khó khăn nguồn đi tiểu ngạch là nguồn chính, chưa có đầu mối chung về sản xuất vùng nguyên liệu, do đó các chủ cơ sở tự bán dao động trên các thị trường, sẽ gây khó khăn cho quá trình tìm kiếm thị trường tiêu thụ", ông Nguyễn Duy Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, cho hay.

Hiện nay, nghề chế biến cá hấp ở Ninh Thuận chủ yếu phát triển tự phát. Phần lớn các cơ sở hoạt động sản xuất theo phương pháp truyền thống, nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động.

Giải pháp nâng cao hiệu quả sản phẩm cá hấp

Để nâng cao hiệu quả nghề chế biến cá hấp, các tỉnh Nam Trung Bộ đang định hướng phát triển nghề theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, bên cạnh đó là khuyến khích các cơ sở sản xuất cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ hiện đại phục vụ quy trình chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Hiện nay, các cơ sở chế biến cá hấp ở Ninh Thuận chủ yếu quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, sản xuất theo phương thức thủ công nên năng suất chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động. Chính vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chế biến cá hấp, vừa đảm bảo an toàn lao động, vừa giảm ô nhiễm môi trường là rất cần thiết.

"Phải có sự đồng hành của nhà nước, nguồn lực của các hộ để đồng hành, giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận được những máy móc hiện đại", ông Nguyễn Duy Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, nhận định.

Về lâu dài, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư hình thành các khu chế biến tập trung; phát triển nghề chế biến cá hấp theo chuỗi sản phẩm an toàn, từ khâu khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm chế biến... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

"Chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa vào các sản phẩm OCOP của địa phương, truy xuất nguồn gốc và xác định được sản phẩm đó bà con sẽ yên tâm hơn", ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, cho biết.

"Quy hoạch tổng thể các khu chế biến tập trung có mùi để đưa vào quản lý môi trường, để người dân ý thức được và đồng thời trong quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng, giảm tối thiểu ô nhiễm về môi trường", bà Phan Thị Mộng Huyền, Chi Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Ninh Thuận, thông tin.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất cá hấp, sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan là động lực để thúc đẩy nghề chế biến cá hấp Ninh Thuận phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hấp cá phải trải qua các quy trình nghiêm ngặt mới bảo đảm chất lượng, như phải chọn được cá tươi, cùng kích cỡ và đảm bảo kỹ thuật nhúng nước sôi có pha muối, làm sao giữ nguyên vẹn kích cỡ, màu sắc... Sau đó, cá được phơi nắng 3 giờ để tăng thêm hương thơm và mới đóng gói sản phẩm hoàn thiện. Hiện thị trường xuất khẩu của sản phẩm này cũng khá rộng mở, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngành cá tra nỗ lực vượt khó Ngành cá tra nỗ lực vượt khó

VTV.vn - Một trong những giải pháp để ngành thủy sản đạt được mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay là nâng cao chất lượng, giá trị trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước