Người dân dùng bữa tại một nhà hàng ở London, Anh. (Ảnh: THX)
Chỉ số trung bình giá giao dịch tương lai của các loại thực phẩm sử dụng cho bữa sáng do The Financial Times thống kê - bao gồm 6 mặt hàng nông sản là lúa mỳ, sữa, cà phê, nước cam, đường và yến mạch - đã tăng 63% kể từ năm 2019. Xu hướng này đã tăng tốc kể từ mùa Hè năm nay.
Các công ty thực phẩm đang tăng giá để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận của họ. Các công ty đa quốc gia lớn như Nestlé và Procter & Gamble (P&G) cảnh báo trong vài tuần qua rằng áp lực giá cả sẽ nghiêm trọng hơn trước khi tình hình cải thiện. Các nhà phân tích cho rằng chi phí sản xuất, chế biến và vận chuyển cao hơn sẽ khiến giá thực phẩm tăng lên.
Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường nông sản tại ngân hàng Rabobank, dự đoán tình trạng giá cả cao sẽ duy trì trong ít nhất một năm nữa.
Theo Will Osnato, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu và dữ liệu hàng hóa Gro Intelligence, nhờ thời tiết thuận lợi và mùa màng bội thu trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, giá các mặt hàng lương thực phần lớn giảm xuống, nhưng sau đó, tình hình đã thay đổi.
Nhu cầu tiêu thụ tăng cao sau khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, trong khi hoạt động sản xuất gặp nhiều vấn đề. Mặc dù giá các mặt hàng thực phẩm thường có xu hướng ổn định trong vài tháng qua vì đây là giai đoạn sau mùa thu hoạch ở Bắc bán cầu và bắt đầu mùa trồng trọt ở phía Nam, song giá các mặt hàng nông sản đã liên tục tăng trong năm nay.
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết cũng tác động lớn tới xu hướng tăng giá hàng hóa. Các nhà dự báo thời tiết dự đoán hiện tượng La Nina (hiện tượng nước biển lạnh hơn so với bình thường) sẽ trở lại trong năm thứ hai liên tiếp kéo theo các cơn hạn hán và băng giá kéo dài. Giá các loại phân bón cũng tăng mạnh trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao và nhiều công ty ngừng sản xuất phân bón.
Trong một năm thời tiết khắc nghiệt, nông dân ở các vùng trồng trọt các mặt hàng lương thực trọng điểm phải đối mặt với tình trạng sản lượng sụt giảm. Giá lúa mỳ kỳ hạn tăng 20% so với đầu năm do Nga, Bắc Mỹ và Argentina bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong khi các nhà sản xuất châu Âu bị ảnh hưởng bởi mưa lớn. Lần gần nhất giá lúa mỳ tăng vọt lên mức hiện tại là sau đợt hạn hán năm 2012 ở Mỹ.
Trong khi đó, giá yến mạch đã tăng gấp đôi trong năm nay sau khi đợt hạn hán nghiêm trọng ở Canada đã quét sạch gần một nửa sản lượng của nước này. Là nhà sản xuất và xuất khẩu yến mạch lớn nhất thế giới, sản lượng yến mạch của Canada trong năm nay ước tính giảm 44%.
Tình trạng hạn hán ở Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu đường và cà phê lớn, đã ảnh hưởng đến giá của cả hai mặt hàng này. Giá đường tăng 26% kể từ đầu năm, trong khi cà phê tăng 56%. Nông dân ở các vùng trồng cà phê lớn nhất cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng băng giá trái mùa vào tháng Bảy, làm nhiều cây trồng bị hư hại và gây rủi ro cho vụ mùa tiếp theo.
Theo tập đoàn vận tải Drewry, chi phí vận chuyển tiếp tục là một vấn đề gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, với giá container cao hơn gần 280% so với năm ngoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!